Còn gì đẹp hơn những ngày ra trận

(PLO) - Sau 41 năm “gác kiếm” trở về đời thường, ông không bao giờ quên những ngày cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Người lính thời chiến đánh quân thù, thời bình  đánh giặc đói nghèo, lạc hậu, đã là người lính thì không bao giờ gục ngã, đó là lẽ sống của ông. Ông bảo “đời còn gì đẹp hơn là những ngày ra trận”.
Bộ đội giúp dân gặt lúa.
Bộ đội giúp dân gặt lúa.

Những vần thơ tiếp sức hành quân

Một chiều tháng tư, từ xã Nga Tân, huyện Nga Sơn của Xứ Thanh miền biển, tôi đến xóm 2, xã Nga Thủy gặp người cựu chiến binh Nghiêm Văn Nhân. Trong ngôi nhà mái bằng còn thơm mùi sơn mới, ông Nhân đang chơi với cháu nội, còn bà Thinh (vợ ông) tươi cười nhắc:

“Đã rời quân ngũ, gác kiếm rồi mà ngày nào cũng kể chuyện chiến đấu ngày xưa. Nhà có 6 đứa con, tuy chẳng đứa nào theo nghiệp bố nó nhưng cả nhà rất tự hào. Cũng nhờ có bản lĩnh người lính của ông ấy mà gia đình vượt qua nhiều khó khăn, cuộc sống hạnh phúc. Con cháu học được nhiều điều từ bố, từ ông”.

Ông Nhân nghe vậy vội bộc bạch: “Thời chiến trận bộ đội khổ lắm, nhưng được cái đi đến đâu dân cũng thương, cũng quí. Ngày ấy nói đến bộ đội về làng là dân hò ra đón. Nhà nào có khoai, có sắn đều chọn củ ngon biếu bộ đội lấy thảo. Mỗi khi bộ đội rút quân, bà con tiễn chân, nhiều cô gái khóc vì thương bộ đội. Có khi trên dọc đường hành quân, chúng tôi nhận được cả bánh đa bộ đội cho ăn đường, nghĩa tình ấy bao giờ quên được”.

Nghe kể, năm 1963, chàng trai khoẻ mạnh Nghiêm Văn Nhân lên đường tòng quân nhập ngũ. Thời đó, bố ông - ông Nghiêm Văn Hoàn là thầy đồ nổi tiếng của xóm Hưng Đạo về tình thương người. Ông Hoàn đủ sức cho con làm “ông nghè, ông tổng”, song để rèn luyện con trai, thầy đồ đã định hướng cho con đi bộ đội. Ngày ông Nhân khoác ba lô lên đường tòng quân nhập ngũ, bà Lã Thị Hợi dặn dò: “Khi đất nước có giặc, đời trai phải ra trận tuyến đánh giặc. Con đi đánh giặc, quê hương chờ đón con về”. 

Tình quân dân trong chiến trận.

Tình quân dân trong chiến trận.

Sức trai phơi phới niềm tin, Nhân hăng hái lên đường. Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 304 là đơn vị đầu tiên đã rèn luyện đạo đức cách mạng và vun trồng chí khí yêu nước cho anh. Sau khi được tôi luyện gian khổ, Nhân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và gia nhập đội quân biệt phái đi Quảng Nam xây dựng cơ sở.

Sau những trận chiến đấu tại Quảng Nam, mùa khô năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta diễn ra vô cùng ác liệt khắp hai miền Nam Bắc. Nợ nước chưa làm tròn, giặc ngoài đánh chưa tan, Nhân và 40 đồng đội khác tình nguyện sang nước bạn Lào chiến đấu.

Nhớ lại ngày cầm súng trên chiến trường nước bạn, ông Nhân chia sẻ: “Trong bối cảnh chung của cục diện thế giới có chiến tranh, lúc ấy tình hình chiến sự ở Lào vô cùng căng thẳng và rối ren. Lực lượng chống đối cách mạng Lào là quân Fu-mi-đùm cấu kết với phỉ Vàng-pao hòng lật đổ chính quyền cách mạng.

Theo tiếng gọi của Chính phủ Lào, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 do Đại tá Mai Hiền chỉ huy một lực lượng quân tình nguyện Việt Nam hành quân sang Đồng Hến thuộc tỉnh Pa-thét đánh quân Fu-mi-đùm giải phóng tỉnh Pa-thét. Sau hơn ba tháng nếm mật nằm gai, phục kích, tập kích toàn bộ lực lượng quân Fu-mi-đùm bị tiêu diệt. Chúng tôi hành quân về Việt Nam trong niềm vui chiến thắng. Trong trận đánh ấy người còn, người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trận nước Lào”.

Ông Nhân nhấp ngụm nước trà rồi nhìn ra khoảng trống trước nhà. Mắt ông sâu thẳm lục tìm ký ức. Đoạn ông kể tiếp: Kết thúc trận đánh Đồng Hến, Đại tá Mai Hiền dẫn đoàn quân tình nguyện Việt Nam thắng trận trở về trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân các tỉnh dọc biên giới Việt Lào như Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Lúc này vào mùa mưa, đường Trường Sơn như trút nước, đoàn xe đi qua phà Địa Lợi đến Quảng Bình thì trời trở rét. Trung đội vận tải của ông Nhân có 40 chiến sĩ thì cả thảy bị sốt rét, không thể tiếp tục hành quân được nữa. Trước tình hình nguy kịch ấy, Đại tá Mai Hiền đã lệnh cho bộ đội dừng chân, lực lượng trinh sát nhanh chóng móc nối với bộ đội địa phương và lực lượng cách mạng nằm vùng.

Khi biết bộ đội Việt Nam đi chiến đấu giúp nước bạn Lào trở về bị sốt rét, người dân xã Quảng Ninh (Quảng Bình) lo lắm. Biết bộ đội đói rét, bà con xin được giúp đỡ. Trước hết, huy động thanh niên trong làng đẩy xe vào rừng ngụy trang, đưa toàn bộ 40 chiến sĩ bị sốt rét đến từng hộ dân và bố trí nghỉ ngơi. Đêm ấy, cụ bà Đặng Thị Lèn, 82 tuổi đã đi vận động bà con quanh làng xin gạo nấu cháo, còn lực lượng thanh niên xung phong của xã thì nhường phần cơm của mình cho bộ đội. 

Vợ chồng ông Nghiêm Văn Nhân và cháu ngoại.

Vợ chồng ông Nghiêm Văn Nhân và cháu ngoại.

Trong tổ thanh niên xung phong ấy có cô Phan Thị Đào đã thức đêm để hát cho bộ đội nghe. Trong sâu thẳm tình dân, cô nghẹn ngào xúc động ứng khẩu thành thơ: “Nồi cháo Quảng Bình thắm tình dân sâu nặng. Chúc các anh đi chân cứng đá mềm, giết xong giặc Mỹ trở về quê hương. Có cô thanh niên xung phong trong lòng vấn vương, thương anh bộ đội ở phương trời nào. Mũ tai bèo dáng cao cao. Sao vàng lấp lánh anh vào chiến khu”. 

“Tôi là người may mắn được cô Đào tặng bài thờ ấy. Bài thơ viết tay bằng mực tím. Ngày chúng tôi rời địa phương tiếp tục hành quân, bà con đến tặng quà. Người cho sắn, người cho bánh đa và bánh cu- đơ. Cô Đào cũng tới và khóc. Cô ấy bảo: “Các anh đi chiến đấu bình yên trở về nhé. Nếu có dịp hành quân qua đây, đừng quên gái xã Quảng Ninh chúng em nhé”.

Những ngày hành quân sau đó, tôi vẫn giữ lá thư của cô Đào tặng. Lúc nghỉ dừng chân mỗi trận hành quân, tôi lấy bài thơ ra đọc cho cả tiểu đội nghe. Bài thơ đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, yêu đời, quên mệt nhọc để tiếp tục hành quân. Chiến tranh liên miên, kéo dài, trong một trận tấn công vượt qua cửa mở đánh địch ở trận Xuân Lộc, Đồng Nai năm 1975, tôi bị lạc trong rừng. Ba lô, đồ dùng mất sạch, lá thư của cô Đào cũng không còn. Thông tin về cô Đào cũng biệt tăm từ đó”, ông Nhân hồi tưởng lại.

Truyền chất lính cho tâm hồn lớp trẻ

Trở về cuộc sống đời thường, bản chất của người lính một thời binh đao trận mạc vẫn nguyên vẹn trong ông. Ông bảo, thời đại nào cũng thế, xã hội nào cũng vậy, luôn cần những con người nhân nghĩa, sống tử tế và biết làm chủ cuộc sống.

Lớp trẻ bây giờ quen với cuộc sống đầy đủ, sẵn sàng quay lưng lại quá khứ nếu không truyền cho chúng lịch sử, sự quý trọng truyền thống và giá trị hi sinh. Bởi vậy, ngoài tuyên truyền hình ảnh đẹp đẽ của người lính Cụ Hồ, ôn lại ký ức chiến tranh, ông còn truyền cho lớp trẻ tình yêu quê hương, đất nước qua lịch sử dân tộc mà chính ông là một tấm gương

Ngoài vui vầy bên con cháu, ông Nhân còn tích cực tham gia công tác cựu chiến binh của xã Nga Thủy. Mỗi lần đi họp ông lại chuẩn bị “bài giảng” ngắn gọn để “truyền lửa tình yêu Tổ quốc” cho thanh niên trong xã. Tuy không chuyên về phương pháp sư phạm nhưng những câu chuyện chiến đấu, sự hi sinh xả thân của chiến sĩ trên chiến trường đã thẩm thấu vào tư tưởng thanh niên trẻ. Có bí thư chi đoàn xã đã đến tận nhà xin ông kể chuyện chiến đấu, để sau đó truyền lại cho thanh niên ở xóm mình.

Bộ đội thời bình giúp dân đắp bờ kè ngăn lũ.

Bộ đội thời bình giúp dân đắp bờ kè ngăn lũ.

Đối với đồng đội cũ, ông là người chí nghĩa chí tình, đối với nhân dân, ông luôn tôn trọng, nhân ái. Với gia đình, ông là người chồng mẫu mực, người cha kính trọng của những đứa con. Ở đâu, lĩnh vực nào ông Nhân cũng toả sáng lấp lánh phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Ông bảo: “Chiến tranh lùi xa nhưng dân tộc ta bước ra từ khói lửa chiến tranh, nên những đau thương, oai hùng từ thời chiến là hành trang của thời bình. Lớp trẻ ngày nay cần học tập tinh thần yêu nước từ cha ông thời trước”.

Đối với ông Nghiêm Văn Nhân, điều quan trọng nhất hiện nay là đem “chất lính” của mình để toả sáng trong tâm hồn lớp trẻ.  Cả gia đình ông luôn coi trọng truyền thống gia đình bộ đội, nền nếp. Vợ ông làm giáo viên, 6 con 5 gái, 1 trai luôn tự hào về bố. Chính ông đã khơi trồng trong tim chúng niềm tự hào và hãnh diện về bản chất Bộ đội Cụ Hồ.

Đọc thêm