Ngành chăn nuôi cũng cho biết, trong bốn tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá cả liên tục xuống thấp dưới giá thành, nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ.
Ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng thịt lợn hơi đến thời điểm có thể xuất chuồng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, đàn lợn vẫn đang tiếp tục giảm do hiệu ứng về giá ở tất cả các địa phương, nhất là lợn nái.
Thông tin từ một số doanh nghiệp chăn nuôi, sau thời điểm giảm giá tháng 12/2016, đến đầu năm 2017 giá lợn thịt hơi siêu nạc tăng nhẹ dao động ở mức 40.000-41.000 đồng/kg tại miền Bắc và 29.000-34.000 đồng/kg ở phía Nam. Tuy nhiên, từ tháng Hai, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và xuống mức dưới 20.000 đồng/kg. Tính đến thời điểm đầu tháng năm, giá lợn hơi có nơi chỉ bán được khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng - mỗi con lợn có thể lỗ từ 1-1,5 triệu đồng.
Nguyên nhân chính làm giá lợn xuống thấp được Cục trưởng Hoàng Thanh Vân lý giải là do cung vượt cầu. Vì sau nhiều năm phát triển nóng (nhất là đối với chăn nuôi lợn) các loại thực phẩm trong nước đã vượt khá xa khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ vẫn chưa được mở rộng, việc bán lợn hơi qua tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do chính sách quản lý đường biên; vấn đề chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trường cả trong nước. Xuất khẩu với mặt hàng thịt lợn còn yếu kém, bất cập không tương xứng với tốc độ tăng đàn và sản lượng thịt lợn sản xuất ra.
Ngoài ra, khâu kiểm soát tiêu thụ (nhất là đối với thương lái thu mua lợn hơi) còn nhiều lỗ hổng, từ đó gây ra lũng đoạn thị trường và tâm lý đám đông ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi cũng như giá cả thịt lợn.