Con không có tên trong di chúc có được hưởng thừa kế của bố mẹ?

(PLVN) - Bạn đọc Lê Hiếu (tỉnh Đồng Nai) hỏi: Bố tôi có một khối tài sản riêng mang tên ông, trước khi mất, bố có để lại di chúc. Tuy nhiên, theo nội dung của di chúc thì tôi không được chia di sản thừa kế của bố. Vậy theo quy định của pháp luật, khi nào tôi có thể được hưởng thừa kế di sản của bố tôi không?
Ảnh minh họa.

Luật gia Tống Thị Linh - Hội Luật gia TP Hà Nội trả lời: Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 thì người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Người lập di chúc cũng có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Từ căn cứ nêu trên có thể thấy, việc chỉ định người thừa kế và truất quyền hưởng di sản của người thừa kế là quyền của người lập di chúc. Do đó, người lập di chúc có quyền cho con hưởng hoặc không được hưởng di sản của mình.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 644 của Bộ luật Dân sự 2015 thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào di chúc. Cụ thể, những người này sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật và họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.

Vì vậy, trước khi xác lập quyền thừa kế theo di chúc của một cá nhân, cơ quan chức năng có trách nhiệm xác minh hàng thừa kế của người để lại di chúc để xác định có hay không có đối tượng được thừa hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.

Trong sự việc của bạn, nếu di chú hợp pháp và tại thời điểm mở di chúc, bạn chưa đủ 18 tuổi hoặc đã đủ 18 tuổ nhưng không có khả năng lao động thì vẫn sẽ được hưởng di sản của bố bạn bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Đọc thêm