'Cồn' - nét văn hóa miền Tây sông nước từ thuở xa xưa

(PLVN) - Nhắc đến miền Tây Nam Bộ, người ta thường hình dung ngay đến vùng đất trù phú với hệ thống sông ngòi chằng chịt, những vườn trái cây bạt ngàn và cuộc sống gắn liền với thiên nhiên. Trong bức tranh ấy, các “cồn” - những cù lao nằm giữa dòng sông lớn - không chỉ là món quà từ phù sa mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của miền Tây từ xa xưa.
“Cồn” Phụng nhìn từ trên cao. (Ảnh: TL)

“Cồn” miền Tây qua những cuộc lở bồi

Thời gian gần đây, qua kênh của một Tiktoker chuyên sản xuất video về đời sống miền Tây, cụm từ “đám giỗ bên cồn” bỗng nhiên trở thành “trend” trên mạng, và “cồn” bỗng dưng được giới trẻ tích cực tìm hiểu. Thực chất, “cồn” là một hình thái đã quen thuộc với đời sống người dân miền Tây từ xa xưa và vẫn còn đến ngày nay. Văn hóa “cồn” mang đậm chất sông nước và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ.

Đi về miền Tây, ta dễ dàng thấy những vùng đất xanh mướt được bao vây giữa bốn bề là sông nước. Các “cồn” miền Tây hình thành tự nhiên qua năm tháng nhờ phù sa bồi đắp từ các dòng sông lớn như sông Tiền, sông Hậu.

Được phù sa bồi đắp, đất trên “cồn” rất màu mỡ, phù hợp với việc trồng trọt. Thế nên, người dân miền Tây thường chọn “cồn” làm nơi sinh sống, lập nghiệp với nghề nông, chăn nuôi. Với vị trí nằm giữa dòng nước mênh mông, nhiều “cồn” đã trở thành điểm nhấn sinh thái độc đáo. Tại đây, hệ sinh thái đa dạng kết hợp với khí hậu ôn hòa tạo nên môi trường sống lý tưởng, đặc biệt là sự trù phú của các vườn cây trái. Hệ thống “cồn” không chỉ là nơi sinh sống của người dân mà còn là nguồn cảm hứng văn hóa, lưu giữ những giá trị truyền thống đặc sắc.

Sinh hoạt của người dân trên “cồn” chủ yếu gắn liền với nghề làm vườn, chăn nuôi và đánh bắt thủy sản. Trên những mảnh đất phù sa màu mỡ, các vườn trái cây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm xanh tốt quanh năm. Nghề nuôi cá bè, làm mắm, hay các làng nghề thủ công như làm bánh tráng, kẹo dừa cũng góp phần tạo nên bản sắc riêng.

Đời sống cộng đồng nơi đây nổi bật với sự giản dị, chân thành và gần gũi. Người dân di chuyển chủ yếu bằng ghe thuyền, giao thương trên sông nước trở thành một phần không thể thiếu. Các lễ hội gắn với tín ngưỡng sông nước như lễ hội đình làng không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn là dịp để cộng đồng quây quần, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Khó có thể tính hết miền Tây có bao nhiêu cồn, bởi qua bao năm bồi tháng lở, nhiều “cồn” đã biến mất, nhưng cũng có không ít “cồn” được bồi đắp lên. Trong đó, có những “cồn” khá nổi tiếng bởi là “cồn” lớn, có những nét đặc sắc riêng, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người miền Tây. Có thể kể đến các “cồn” như “cồn” An Bình (Vĩnh Long) nằm giữa dòng sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông với vẻ đẹp yên ả của những vườn cây trái sum suê, những con đường làng rợp bóng mát và những ngôi nhà cổ kính nép mình bên bờ sông. “Cồn” Mây hay còn được gọi là cù lao Lục Sĩ Thành, nằm giữa dòng sông Hậu, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long với diện tích khoảng 4.000ha, có làng nghề làm bánh tráng truyền thống lâu đời. “Cồn” Tân Lộc (Cần Thơ), còn được gọi là “cù lao Tam Tỉnh” vì nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử và văn hóa như đình Tân Lộc, chùa Phước Hậu, nhà cổ Trần Bá Thế… “Cồn” Ông Hổ (An Giang) với nhiều truyền thuyết lạ kì. Nơi đây chính là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Ngôi nhà sàn đơn sơ nơi Bác sinh ra và lớn lên đã trở thành khu di tích lịch sử quan trọng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tưởng niệm. Ngoài ra còn có Tứ Linh cồn (Long - Lân - Quy - Phụng), Cù lao Giêng, “cồn” chim... là những điểm đến độc đáo thu hút du khách tham quan.

Văn hóa “cồn” không thể thiếu đi sự phong phú trong ẩm thực. Từ các món ăn dân dã như cá lóc nướng trui, lẩu mắm, bánh xèo cho đến những đặc sản nổi tiếng như kẹo dừa “cồn” Phụng, trái cây cồn Thới Sơn đều mang hương vị đặc trưng của miền Tây. Các “cồn” còn nổi tiếng với những món ăn chế biến từ sản vật địa phương. Thực khách có thể vừa thưởng thức ẩm thực, vừa tận hưởng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, một trải nghiệm khó quên trong hành trình khám phá miền Tây.

Ngày nay, các “cồn” đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá miền Tây. Những tour du lịch sinh thái đưa du khách len lỏi qua các con rạch nhỏ, hái trái cây tại vườn, thưởng thức đờn ca tài tử ngay giữa thiên nhiên tươi đẹp.

“Tứ linh cồn” và câu chuyện đạo Dừa ở “cồn” Phụng

Nói về “cồn” ở miền Tây, không thể không nhắc đến “Tứ linh cồn”, tức các “cồn” Long, Lân, Quy, Phụng. Đây được coi là bốn viên ngọc quý nằm trên sông Tiền, trong đó “cồn” Long và “cồn” Lân nằm trong địa phận thành phố Mỹ Tho, “cồn” Quy và “cồn” Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bốn “cồn” này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với các tour du lịch tấp nập.

Từ xa xưa, các “cồn” này đã có dân đến sinh sống, gắn với đó là nhiều truyền thuyết kỳ bí. “Cồn” Long với truyền thuyết một con thuồng luồng kỳ bí xuất hiện từ dưới lòng sông để rồi hóa thành gò đất đồi tuyệt đẹp. “Cồn” Lân hay còn gọi Cù lao Thới Sơn có diện tích lớn nhất trong tứ linh, lưu giữ nhiều câu chuyện hào hùng về chiến công chống Mỹ cứu nước. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm kẹo dừa, kẹo cốm trứ danh mà du khách đến tham quan không thể bỏ qua. “Cồn” Quy thì nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 22km, đây là “cồn” có diện tích nhỏ nhất trong tứ linh.

Di tích về đạo Dừa còn lại đến ngày nay trên “cồn” Phụng. (Ảnh: TL)

Trong số tứ linh, “cồn” Phụng thường được nhắc tên nhiều nhất bởi gắn với nhiều truyền thuyết, đặc biệt là câu chuyện về đạo Dừa. Xa xưa, vào những năm 1930, diện tích “cồn” khoảng 28ha, nhưng từ đó đã phát triển lên hơn 50ha do phù sa bồi đắp hàng năm. Trước kia, “cồn” Phụng có tên là “cồn” Tân Vinh, tên gọi “cồn” Phụng bắt nguồn từ ngôi chùa Nam Quốc Phật trên “cồn” và chén cổ hình chim phụng được tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa. Đây là ngôi chùa do “ông đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam cho xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Thế nên, “cồn” Phụng còn có một tên gọi khác là “cồn đạo Dừa”.

Theo ghi chép, Giáo chủ đạo Dừa Nguyễn Thành Nam sinh ngày 22/4/1910, tại xã Phước Thạnh, Tổng An Hòa, Huyện Trúc Giang, Tỉnh Kiến Hòa (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình giàu có, nhiều quyền thế. Ông từng du học ngành kĩ sư hóa học ở Pháp. Vào năm 1945, ông Nguyễn Thành Nam quy y cầu đạo với Hòa thượng Thích Hồng Tôi ở chùa An Sơn - núi Tượng thuộc vùng bảy núi, Châu Đốc, An Giang. Trong thời gian tu đạo ông chỉ toàn ăn trái cây và uống nước dừa xiêm. Sau đó, ông cho dựng “Đài bát quái” đầu tiên cao 14 mét ở xã Phước Thạnh cũng toàn bằng dừa, đánh dấu sự ra đời của đạo Dừa. Sau thời gian tu tập trên núi, ông trở về và bắt đầu truyền bá cách hành đạo của mình. Năm 1948, tại Định Tường (Tiền Giang) ông ngồi thiền ở nhiều nơi từ bờ sông cho đến trước mái hiên nhà. Những năm 1950, ông chỉ khoác trên mình một manh áo mỏng, đêm ngày ngồi tịnh khẩu hành đạo trên “Đài bát quái” và mỗi năm chỉ tắm một lần vào ngày Phật đản. Ông còn mua cả sà lan loại nhỏ, hai tàu chở khách để thuận tiện cho việc hành đạo cũng như đưa rước các tín đồ.

Do biến động của thời cuộc, vào năm 1963, ông đạo Dừa dời toàn bộ cơ sở về mũi phía đông “cồn” Phụng. Tại đây, ông cho xây dựng chùa Nam Quốc Phật với các công trình như Cửu Đỉnh, sân Rồng, phi thuyền Apollo, bản đồ hình chữ S, Tháp Chuông Hòa Bình, khu vực Thất Sơn… Ông còn mua thêm sà lan lớn 3 tầng, trên đó có cả tháp đài, nhà khách, vườn hoa… và tích cực truyền bá tư tưởng đạo pháp của mình cho đến khi ông qua đời và đạo Dừa suy tàn.

Ngày nay, khu di tích đạo Dừa rộng chừng 1.500m² thường được nhiều du khách đến viếng thăm. Nơi đây còn giữ được khá nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời ông còn sống, như: sân chín con rồng; tháp Hòa Bình (Cửu trùng đài), đỉnh lớn...

Có thể nói, các “cồn” ở miền Tây không chỉ là món quà của thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc của người dân vùng sông nước. Từ những phong tục, lễ hội đậm chất tín ngưỡng cho đến nếp sống mộc mạc, chân tình, các “cồn” như một bức tranh sống động về đời sống và bản sắc của miền Tây. Dù thời gian trôi qua, giữa những đổi thay của nhịp sống hiện đại, các “cồn” vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết từ thuở xa xưa. Chính sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện tại đã làm nên sức hút đặc biệt, khiến các “cồn” không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là biểu tượng văn hóa đáng tự hào của cả vùng đất này.