Nhà Nguyễn bảo vệ Kinh thành Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với xây dựng một kinh thành rộng lớn, vững chãi, nhà Nguyễn đã tuyển chọn đội quân thiện chiến để bảo vệ vương triều trong một thời đại bị nhòm ngó, xâm lược.
Nhà Nguyễn bảo vệ Kinh thành Huế

Kinh thành vững chãi là để giữ nước

Kinh thành Huế được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ tư (30/4/1805). Sử xưa cho biết: Mặt bằng xây dựng kinh thành bao gồm trọn đô thành cũ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, một phần phủ chính thời Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái cùng đất 8 làm: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, Thế Lại, An Vân, An Hòa, An Mỹ và An Bửu.

Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ (Hội điển), kích thước của kinh thành: chu vi vòng thành là 10.571,28m, bề dày thân thành: 21,25m (rất khó cho đại bác có thể làm hỏng thành), chiều cao thành: 6,46m. Kinh thành được xây dựng bằng đất ở giữa, hai bên ốp gạch, xây kè theo kiểu giật cấp rất chắc chắn.

Theo nhà nghiên cứu Lê Thị Toán, từng làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: “Với các vua nhà Nguyễn, việc xây dựng kinh thành Huế là để giữ vững nước nhà, tạo uy thế với các nước lân bang nên đã tạo cho kinh thành trở nên một pháo đài quân sự lớn nhất và vững chắc nhất ở tuyến phòng thủ trung tâm. Chính vì thế, năm 1822, Vua Minh Mạng ra dụ, dựng thành là để “lấy oai trấn áp các nước bên để nền tảng muôn đời cho con cháu, để vững căn bản cho nước mà giữ vững lấy dân, nên mới sai xây đắp”.

Kinh thành Huế có 13 cửa, 11 cửa đường bộ và 2 đường thuỷ. Chiều cao của các cửa thành là 17,425m (theo Hội điển). Cửa thành bằng gỗ lớn, chắc chắn, bên trong có gắn các cối lửa và cối then bằng đá thanh để giữ lề cửa và gác then cài mỗi khi đóng. Khi cửa thành đóng thì đối phương khó mà vào được. Hai cửa đường thuỷ là Tây Thành Thuỷ quan và Đông Thành Thuỷ quan (gần biển) có vị trí quan trọng về quân sự nên ở Đông Thành Thuỷ quan có bố trí 20 khẩu đại bác và 20 lính canh giữ.

Việc bảo vệ kinh thành rất nghiêm ngặt, ngoài hàng chục lính canh ở các cửa thành thì việc tuần phòng kinh thành giao cho Hộ thành đảm trách “Vào mỗi đêm, đúng giờ sẽ phái một văn, một võ ấn quan của nước ta mang theo 40 lính cùng Quí quan để tuần phòng trong và ngoài kinh thành (Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên).

Vòng thành được chia làm 24 phần, mỗi phần do hai vệ quân tinh nhuệ canh giữ. Kinh thành mở cửa từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Riêng hai cửa Chánh Đông và Tây Nam chỉ đóng khi quan quân dự chầu đã về hết. Nếu có việc khẩn, sẽ cấp báo cho quan giữ cửa Hoàng thành để cấp báo vào bên trong. Từ thời Minh Mạng, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, 10 cửa chính của kinh thành và Đông Thành Thuỷ quan được mở 3 đêm (30, mồng 1 và 2).

Việc xây dựng vững chãi các cửa thành cùng với quân lính bảo vệ nghiêm ngặt theo nhà nghiên cứu Lê Thị Toán nhận định: “Tất cả các cửa này đảm nhận chức năng hết sức quan trọng, đảm bảo sự an ninh cho khu vực kinh thành, khi xảy ra sự cố cửa thành chính là điểm bị đối phương công phá đầu tiên, vì vậy nó phải được xây dựng kiên cố và canh phòng nghiêm ngặt”.

Lực lượng phòng vệ kinh đô

Quân lính ở kinh đô Huế gọi là lính vệ, chia làm 3 đạo: thân binh, cấm binh và tinh binh. Đến thời Minh Mạng tổ chức hoàn thiện gồm các binh chủng: bộ binh, tượng binh, pháo binh và thuỷ binh.

Bộ binh có kinh binh ở kinh đô do Thống chế hay Đô thống chỉ huy được biên chế thành doanh, vệ, thập, ngũ thống nhất không chỉ ở kinh mà đến tận địa phương. Thân binh có 5 vệ: Vệ Cẩm y (2.170 lính); vệ Kim Ngô (523 lính); vệ Loan Giá (981 lính); vệ Tuyển Phong (500 lính); doanh Vũ Lâm (2.500 lính).

Quân cấm binh ở kinh có 6 doanh: doanh Thần Cơ (2.518 lính); doanh Tiên Phong (2.534 lính); doanh Long Vũ (2.327 lính); doanh Hổ Uy (2.518 lính); doanh Hùng Nhuệ (2.504 lính); doanh Kỳ Vũ (2.094 lính). Quân Cấm binh có nhiệm vụ giữ Hoàng thành. Năm bảo trong 5 quân: Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu, mỗi bảo có 2 vệ, số lính 5 bảo trong 5 quân tại kinh đô tổng cộng 5.050 người. Số quân này khi đóng ở doanh trại phải thường xuyên luyện tập.

Thuỷ binh ở kinh đô có 7.742 lính, chia làm 15 vệ, xếp thành 3 doanh, toàn bộ đặt dưới sự chỉ huy của Thuỷ sư Đô thống. Thuỷ quân được cấp la bàn, thước đo nước, đồng hồ cát xem giờ phương Tây. Đến năm 1827, thuỷ quân có 1.037 thuyền các loại, trong đó ở kinh đô có 379 chiếc. Đặc biệt thuyền máy đã xuất hiện ở thời Nguyễn. Đây là sự tiến bộ của thuỷ quân Việt Nam thời đó.

Thời Vua Minh Mạng có nhiều trận thao diễn thuỷ quân hoành tráng với nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước. Tương binh chia thành nhiều đội, mỗi đội có 40 thớt voi, thời Vua Minh Mạng có tới 450 thớt voi, riêng kinh đô có 150 thớt voi, độc lập tác chiến do lãnh binh trông coi. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) các thị vệ ở kinh đổi làm 3 vệ kinh tượng: nhất, nhị, tam định ngạch với 1.500 lính.

Pháo binh chưa độc lập, nên hoạt động theo các cơ, đội bộ binh, các hạm thuyền thuỷ binh hoặc chịu sự quản lý trực tiếp của các viên chức chỉ huy thành luỹ, đồn bảo tại kinh đô và địa phương. Trong Đại Nam Nhất thống chí cho biết: “4 phía trên mặt thành có 24 pháo đài” và cho biết tên các pháo đài theo các hướng. Ngoại trừ 4 pháo đài: Nam Minh, Đông Thái, Tây Thành và Bắc Định nằm ở 4 góc thành, 20 pháo đài còn lại chia thành 3 cỡ: lớn (328,33m - pháo đài Đông Vĩnh), trung bình (265,40m - pháo đài Bắc Thuận) và nhỏ (176,10m - pháo đài Đông Phụ). Trên mỗi pháo đài là một kho thuốc, đạn có chiều dài gần 9m, rộng gần 4m và cao 2,55m.

Về lực lượng nhân sự trấn thủ và vũ khí trang bị tại hệ thống phòng thủ cửa Thuận An thì thời Gia Long, con số cả quan lẫn lính khoảng 150 người. Tháng 7/1861, số binh linh lên tới 1.581 lính (gồm thuỷ quân, bộ binh và pháo binh), số súng cỡ lớn là 139 khẩu (thần công, quá sơn và phi sơn). Hệ thống phòng thủ này sau được tăng cường thêm 380 lính bộ và pháo thủ, 169 súng các loại. Cuối năm 1861, số binh lính đồn trú ở đây là gần 2.000 lính và 308 súng các loại. Từ năm 1881 - 1882, binh sĩ phòng thủ tiếp tục được tăng cường ở cửa Thuận An lên mấy ngàn lính, súng ống cũng được đầu tư thêm.

Cửa biển Hải Vân, Tư Hiền từ 69 người thời Vua Gia Long lên đến 350 người ở Hải Vân và 500 người ở Tư Hiền vào năm 1858.

Binh lính thời nhà Nguyễn được trang bị chủ yếu giáo mác, đao, súng thần công. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), chuẩn cấp đồ binh trượng ở 3 vệ Cấm y: 150 thần cơ bác, 400 thương 3 cạnh, 300 thương dài bọc bạc, 124 dao nhọn, 550 đoản đao, 400 thạch cơ điểu sang,... ngoài ra, còn nhiều vũ khí như móc sắt, phác đao, hổ bài… Súng đại bác đặt trong và ngoài kinh thành lên tới 705 cỗ được đúc từ thời Gia Long đến Minh Mạng.

“Các vua triều Nguyễn không chỉ chuẩn bị lực lượng quân lính, vũ khí trang bị cho các tuyến phòng ngự mà còn yêu cầu luyện tập thường xuyên. Trong kinh thành Vua Minh Mạng cho đắp trường bia để quân tập bắn, ra lệnh cho biền binh thuỷ sư diễn tập bắn súng lớn cả trên bộ và trên thuyền, bắn trúng thì được thưởng. Chỉ dụ vào năm 1823 của Vua Minh Mạng đã nói rõ: “Việc binh có thể 100 năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày không phòng bị được”.

Như vậy, tính sơ bộ binh lính phòng vệ thuộc các binh chủng thuộc tuyến phòng thủ kinh đô đã lên đến 40 nghìn người, nhiều nhất là ở các tuyến phòng thủ trung tâm - kinh đô gần 34 nghìn người”, theo nhà nghiên cứu Lê Thị Toán.

Ban cấp cho quân đội bị thương ở mặt trận, sách Đại Nam điển lệ cho biết: “Năm Minh Mạng thứ 8 lời dụ rằng quân đội đi tuần tiễu, quả thật bị thương nặng, nếu là Vệ uý thì được thưởng 70 quan tiền; là Phó Vệ uý và Quản cơ, thì mỗi người được thưởng 50 quan tiền; Phó Quản cơ và Sai cơ mỗi người được thưởng 30 quan; là Suất đội thì được 20 quan; là Suất thập thì được 10 quan; binh lính thì được 5 quan; là thủ hạ và dân phu bị trọng thương thì mỗi người được cấp 3 quan. Lệ năm Tự Đức thứ 12 định rằng phàm binh lính đồn điền, hương dũng hay nghĩa dân, từ viên quản suất cho đến bọn dân dũng, lầm thời sai phái đi dẹp giặc, nếu ai bị chết trận và bị thương ở mặt trận, nhân vết thương đến thiệt mạng, nếu người ấy là quyền chức Quản cơ, thì thăng hàm Cấm binh chánh đội và chiếu theo hàm truy tặng cấp cho tiền tuất; lại cấp thêm bạc mười lượng, vải 2 tấm, ấm thụ cho 1 người con, hay em hay cháu hàm tùng cửu phẩm bá hộ…”.