Con người có dám thay đổi?

(PLVN) - Hôm qua, 17/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị số 4/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Đây không hề là câu chuyện nhỏ.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Đây cũng là tiềm năng sinh thái, nếu biết bảo tồn, gìn giữ sẽ thành lợi thế trong việc phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Đảng, Nhà nước không xem nhẹ việc này, đã có nhiều văn bản chỉ đạo, luật hóa các quan điểm về đa dạng sinh học. Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân về nghèo đói, nhất là “căn bệnh khoái khẩu” của người Việt nên tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

Có “cung” ắt có “cầu”. Tại các nhà hàng ở các đô thị, thị xã, thị trấn khắp cả nước rất dễ tìm các món ẩm thực từ chim hoang dã. Rất dễ gặp trên đường những người bán chim hoang dã. Không thấy cơ quan có trách nhiệm “hỏi thăm”, dư luận xã hội tẩy chay, lên án càng hiếm gặp. Dường như thái độ với động vật hoang dã (trong đó có bộ chim) chưa trở thành thành tố của văn hóa người Việt. Đó là một điều đáng tiếc.

Không nghi ngờ gì nữa, hoạt động săn, bắt, bẫy tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.

Chắc chắn, để bảo vệ được chim hoang dã phải thay đổi nhận thức. Khi nào người Việt biết tẩy chay, từ chối các món ăn từ chim may ra mới hạn chế hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư. Và cũng chỉ khi đó các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ mới đi vào cuộc sống.

Suy cho cùng đây là một nội dung xây dựng văn hóa. Liệu con người có dám thay đổi thói quen?

Đọc thêm