“Con sâu làm rầu nồi canh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trên một chuyến bay từ Hà Nội tới TP HCM một ngày cuối tháng 9/2024, tình cờ ngồi cạnh một nữ du khách, khi biết tôi sống ở trong Nam, chị đưa tôi xem danh sách những địa điểm chị tính tới thăm: Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, một tiệm bánh mì nổi tiếng… nhờ góp ý.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với những người sống ở TP HCM, những địa danh này có thể quen thuộc hàng ngày, nhưng với du khách, những địa chỉ này rất hấp dẫn. Ngoại trừ một điều chị còn băn khoăn: “Nghe nói mới đây có vụ “chặt chém” du khách ở phố đi bộ”.

TP HCM xưa nay nổi tiếng là đô thị lớn bậc nhất Việt Nam, khí hậu ôn hòa hai mùa mưa nắng, các dịch vụ được thực hiện một cách chuyên nghiệp, con người nghĩa tình, phong cách sống thân thương, hào sảng… Đó là những yếu tố góp phần giúp TP HCM trở thành một “thế lực” trong ngành du lịch. Theo thống kê chính thức năm 2023, TP HCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Năm 2023 TP đón gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch trên 160 ngàn tỷ đồng. Định vị thương hiệu du lịch ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế; được vinh danh “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”, “Điểm đến lễ hội & sự kiện hàng đầu châu Á”, nằm trong số 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất toàn thế giới năm 2023.

Du lịch TP HCM cũng được báo chí truyền thông quan tâm ủng hộ. Năm 2023, đã có trên 3.900 tin, bài viết (tăng 1.800 tin, bài so với 2022) thông tin về những hoạt động, chương trình sự kiện thường niên của du lịch TP. Ngành du lịch TP đã mời hàng trăm người nổi tiếng là các người đẹp, ca sỹ, diễn viên, văn nghệ sỹ, travel bloggers tham gia làm đại sứ cho chương trình, thu hút hàng triệu lượt truy cập, theo dõi và bình luận. “Tiếng lành đồn xa” là như vậy.

Thế nhưng, “con sâu làm rầu nồi canh”. Những giá trị, thành quả của du lịch TP đã bị “sứt mẻ”, khi xảy ra sự việc nam thanh niên 23 tuổi ngụ quận 4 “chặt chém” một du khách nước ngoài là người nổi tiếng đến phố đi bộ Nguyễn Huệ tham quan vào tối 14/9. Khi du khách hỏi thuê xe điện cân bằng giá bao nhiêu, nam thanh niên lấy 1 triệu đồng/1h, đắt gấp 20 lần. Tai hại hơn nữa, là hành vi “chặt chém” này diễn ra trước ống kính máy thu hình, phát trực tiếp trên mạng xã hội, nghĩa là toàn thế giới. Thống kê cho thấy buổi livestream trên kênh YouTube của người này tối 14/9 thu hút hơn 5,5 triệu lượt xem với hơn 9.666 bình luận.

Đánh giá về hành vi này, đại diện Hiệp hội Du lịch TP nói: “Với đặc thù trung tâm kinh tế, du lịch của cả nước, hình ảnh điểm du lịch TP có thể bị ảnh hưởng qua sự việc lần này (…) sự việc lần này rất đáng tiếc”.

Rất nhanh, chỉ sau ít tiếng đồng hồ, cơ quan chức năng đã tìm ra “thủ phạm” vụ việc, xử phạt đúng quy định vì các vi phạm “sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ cho thuê xe điện”, “kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ”, với tổng tiền phạt 10 triệu đồng. Đối tượng cũng bị tịch thu phương tiện vi phạm (xe điện cân bằng), buộc viết cam kết chấp hành các quy định, không tái phạm. Nhận thức được sai phạm, đối tượng đã đến khách sạn nơi du khách đang ở để xin lỗi, trả lại tiền.

Sự việc trên cho thấy hậu họa khôn lường của nạn “chặt chém”. Bản thân những người làm dịch vụ phải nhận thức được vấn đề, phải dẹp tâm lý tham lam vụn vặt, phải từ bỏ thói kinh doanh “chặt chém”. Làm dịch vụ kiểu chụp giật là kinh doanh kiểu “tự sát”, chỉ được lợi một lần, sau đó mãi mãi bị “tẩy chay”, lên án. Đồng thời, cơ quan quản lý phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ các dịch vụ tự phát, người bán hàng rong, để tránh tình trạng lừa đảo, ép giá. Làm được những điều đó, nhất định du lịch TP HCM không chỉ giữ vững vị thế dẫn đầu, mà sẽ ngày càng phát triển.

Đọc thêm