Con trai rao bán rùa, cha nhận 10 năm tù

(PLVN) -Ngày 18/3/2021, TAND thành phố Buôn Ma Thuột vừa tuyên án phạt đối tượng Hoàng Minh Triển (sinh năm 1961, trú tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) 10 năm tù giam cho hành vi nuôi, nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm.
Con trai đối tượng Hoàng Minh Triển thường xuyên đăng tải các video bài viết rao bán rùa trái phép trên mạng xã hội
Con trai đối tượng Hoàng Minh Triển thường xuyên đăng tải các video bài viết rao bán rùa trái phép trên mạng xã hội

Tháng 5/2020, từ nguồn tin báo của người dân về đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra nhà đối tượng Hoàng Minh Triển và phát hiện 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm bị nuôi nhốt trái phép trong đó có 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) và 32 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung – hay còn gọi là rùa hộp Bua-rê (Cuora bourreti).

Điều đáng nói, trước đó, đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522 của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã nhiều lần nhận được thông tin từ người dân về việc con trai của đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, buôn bán trái phép nhiều loài rùa quý, hiếm khác nhau. Những loài này đều được phát hiện tại cơ sở nuôi nhốt của đối tượng Hoàng Minh Triển.

Việc phát hiện, bắt giữ cùng bản án nghiêm khắc 10 năm tù dành cho đối tượng Hoàng Minh Triển là một thành công đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Buôn Ma Thuột, đáp ứng được mục tiêu răn đe, cảnh tỉnh với những đối tượng đã và đang làm giàu bất chính từ hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD. Toàn bộ số rùa sau tịch thu đã được chuyển đến Trung tâm Bảo tồn rùa – Vườn Quốc gia Cúc Phương. 

Rùa hộp trán vàng miền Nam và rùa hộp trán vàng miền Trung đều là những loài ĐVHD thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) – nhóm loài được bảo vệ ở cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định pháp luật Việt Nam. Theo đó, mọi hành vi như nuôi, nhốt, buôn bán trái phép các cá thể trên đều có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS) mà không phụ thuộc vào số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật. 

Với hành vi xâm hại đến 47 cá thể lớp bò sát loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, hành vi của đối tượng đã đáp ứng cấu thành khoản 3 Điều 244 BLHS với khung hình phạt từ 10-15 năm tù.

Đọc thêm