Trưởng thôn giết người đốt xác phi tang
Đã gần 4 năm, thế nhưng vụ án hãm hiếp bất thành, giết cả hai mẹ con rồi đốt xác phi tang vẫn được người dân thôn Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) kể lại như để nhắc nhở mọi người tránh xa tội ác.
Theo người dân địa phương, trước khi gây án, hung thủ là người trưởng thôn mẫu mực, được mọi người tôn trọng. Trong khi đó, hai mẹ con nạn nhân là người hiền lành, thật thà. Ngôi nhà của nạn nhân và hung thủ cách nhau khoảng 50m. Hai gia đình trước đó có quan hệ hàng xóm láng giếng rất thân thiết.
Khoảng 19h ngày 14/1/2011, Nguyễn Văn Lợi (SN 1954, Trưởng thôn Kỳ Sơn) đang đi bộ từ nhà cha đẻ về nhà mình thì gặp bà Đỗ Thị Thìn (SN 1964). Do “thầm thương trộm nhớ” bà Thìn đã lâu nên Lợi nảy sinh ý định vào nhà bà để thỏa mãn dục vọng mà bấy lâu kìm nén.
Sau khi đột nhập, quan sát kỹ càng và thấy trong nhà không có ai ngoài bà Thìn, thủ phạm liền xông tới, dùng hai tay ôm lấy người bà và bắt đầu giở trò sàm sỡ. Đáp lại, bà Thìn kiên quyết chống cự ra và dọa rằng: “Ông là trưởng thôn mà làm vậy, ngày mai tôi tố cáo cho dân biết”.
Sau này thủ phạm khai rằng sự phản ứng quyết liệt của bà Thìn khiến mình cảm thấy hụt hẫng và bẽ mặt. Sĩ diện và nỗi lo sợ bị mọi người biết việc sàm sỡ của mình đã khiến Lợi quyết định sát hại bà Thìn để giấu kín mọi chuyện.
Thủ phạm nhặt khúc cây có sẵn trong nhà đánh vào đầu khiến bà Thìn gục ngã. Khi nạn nhân nằm bất động, Lợi tiếp tục đánh nhiều nhát nữa đến khi bà này tắt thở mới dừng tay.
Lúc này con gái bà Thìn là cháu Trương Ngọc Đoan Trâm (SN 2005) đứng ở cửa nhà sau thấy mẹ nằm bất động nên khóc gọi mẹ. Sợ cô bé làm lộ mọi chuyện, Lợi bước đến tiếp tục dùng khúc cây đánh vào đầu làm cháu bé chết tại chỗ.
Sau khi tước đoạt mạng sống của hai mẹ con bà Thìn, sát nhân máu lạnh tìm cách che giấu tội ác của mình. Lợi tạo hiện trường giả bằng cách ẵm cháu Trâm vào giường ngủ trong buồng, lấy dầu hỏa tưới lên giường và đồ đạc trong phòng rồi phóng hỏa. Lợi tiếp tục lấy chiếc mùng đang cháy ra nhà sau quấn vào đầu bà Thìn để đốt xác. Xong xuôi đâu vào đó, Lợi nhanh chân tẩu thoát khỏi hiện trường. Khi về nhà, mặc cho mọi người hô hoán, chữa cháy, Lợi vẫn trơ trơ đứng nhìn như chẳng có chuyện gì.
Mặc dù xóa hết mọi dấu vết bằng cách đốt xác phi tang nhưng thủ phạm vẫn không thể qua mặt được cơ quan điều tra. Theo kết quả giám định pháp y, hai mẹ con bà Thìn tử vong do chấn thương sọ não, vỡ lún xương sọ, đồng nghĩa với việc hai nạn nhân chết trước khi bị thiêu cháy. Từ chi tiết mọi người trong xóm đều tham gia chữa cháy, duy nhất mình ông trưởng thôn đứng nhìn, sau hơn 1 tháng điều tra xác minh, cơ quan công an tìm ra được kẻ thủ ác chính là Nguyễn Văn Lợi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lợi thừa nhận hành vi giết người với lý do: “Bản thân là trưởng thôn nên không thể bị tố cáo”. Vì dục vọng thấp hèn mà gây tội ác man rợ, Lợi bị tòa tuyên án tử hình về tội Giết người.
Không bằng lòng, Lợi kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 13/12/2011, TAND tối cao tại Đà Nẵng đã phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định, tuyên xử bị cáo hình phạt tử hình.
Ngôi nhà xảy ra vụ thảm án nay bỏ hoang. |
Kết cục đau thương của một tử tù
Sau hơn 2 năm ngồi trong trại giam, ngày 13/12/2013, tử tù Nguyễn Văn Lợi được di lý từ Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định lên tỉnh Đắk Lắk để thi hành bản án tử hình về tội Giết người bằng hình thức tiêm thuốc độc. Trước đó 10 ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Bình Định đã thông báo cho gia đình tử tù Lợi về việc nhận xác thân nhân về chôn cất sau khi thi hành án theo quy định pháp luật. Tuy nhiên mãi qua ngày 10/12, Hội đồng thi hành án vẫn không nhận được phản hồi từ gia đình.
Đến nay, ngôi mộ của tử tù Nguyễn Văn Lợi đã được xây khang trang. Tuy nhiên, nằm ở cuối góc nghĩa địa, dưới chân núi, không khí lạnh lẽo nên chúng tôi cảm nhận được một sự u buồn pha lẫn u ám ở nơi này. Theo nhân viên quản lý nghĩa địa, việc xây dựng được gia đình tiến hành một cách lặng lẽ, dường như gia đình không muốn để người ngoài biết.
Nỗi dằn vặt của người con
Ngôi nhà của tử tù Nguyễn Văn Lợi nằm giữa thôn Kỳ Sơn, hôm chúng tôi đến nhà, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1966, em gái của Lợi) đang loay hoay quét nhà. Thấy chúng tôi vào, người đàn bà này có vẻ e dè nhưng sau hồi lâu được thuyết phục, bà từ tốn tiếp chuyện chúng tôi.
Theo bà Hiền, vợ ông Lợi mất năm 2000 vì bệnh ung thư. Bốn năm sau, ông gá nghĩa vợ chồng với một người phụ nữ không chồng khác nhưng người này cũng mất sau đó ít lâu vì bạo bệnh. Từ đó, ông ở vậy nhưng thời gian sau lại “thầm thương trộm nhớ” bà Thìn, nhiều lần ông tìm cách “thả câu” nhưng bà Thìn không đồng ý.
Lúc ấy, 3 người con đời vợ trước của ông, hai người có chồng có vợ ở riêng, nên nhà chỉ có ông và con trai út là Nguyễn Thúc Định (SN 1990). Sau khi xảy ra sự việc, vì xấu hổ trước việc làm của cha mình và vì ngôi nhà bị niêm phong nên anh Định đi lưu lạc khắp nơi làm thuê kiếm sống.
Bà Nguyễn Thị Hiền, em gái tử tù Lợi.
Đang ngồi trò chuyện, một thanh niên chạy xe máy từ đầu cổng vào, chúng tôi nghĩ ngay đó là Định. Qua mấy lời trò chuyện, anh Định cho biết, lúc cha mình gây ra tội ác, chính anh cũng không tin vào mắt mình, vì từ trước, cha anh là một người hiền lành, gương mẫu, ở địa phương ai cũng biết. Thế nhưng vì một phút suy nghĩ nông cạn, cha anh lại gây ra tội ác tày trời đến như vậy.
Nói về việc không nhận xác cha mình, anh cho biết bất đắc dĩ lắm gia đình mới phải làm như vậy. “Lúc sống cha tôi gây ra tội ác và bị trừng trị nhưng lúc đã trở thành cái xác, ông cũng cần được đưa về quê để gần gũi tổ tiên, gia đình chăm lo hương khói. Việc từ chối nhận xác cha là bởi dù thời gian đã qua nhưng mọi người vẫn chưa quên đi vụ án năm xưa, đưa xác cha về quê chẳng khác nào khơi lại nỗi đau và sự căm giận trong lòng mọi người. Linh hồn của cha vì thế mà cũng không được thanh thản dù đã bị trừng phạt. Không chỉ tôi mà cả gia đình đều cảm thấy có lỗi với cha nhưng lúc đó, suy nghĩ mãi mà gia đình không nghĩ được cách nào tốt hơn”, anh nói.
Anh Định cho biết: “3 chị em chúng tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, một tay cha chăm sóc từ đó đến ngày khôn lớn. Đến khi cha gây ra tội ác, bị trừng phạt, sau đó chúng tôi không làm tròn trách nhiệm đưa xác cha về chôn cất là điều tôi cảm thấy bất hiếu. Nhưng cực chẳng đã chúng tôi mới làm như vậy. Tôi lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, dằn vặt lớn nhất đối với tôi là việc bản thân mình chẳng thể làm tròn trách nhiệm của một người con đối với cha”./.