Con “yêu sớm”, đừng biến nguy cơ thành hậu quả

(PLVN) -  Con biết rung động giới tính khi còn ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 đang là mối lo của nhiều bậc nha mẹ. Nếu không biết cách ứng xử, rất có thể cha mẹ sẽ đẩy con đến những hậu quả không hay.
Con biết rung động giới tính khi còn ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 đang là mối lo của nhiều bậc nha mẹ

Trẻ “rung động” sớm có đáng chê trách?

Được cô giáo chủ nhiệm thông báo con mình học lớp 5 đang “hẹn hò” với một bạn gái cùng lớp, chị N. T. H. lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Theo cô giáo chủ nhiệm chia sẻ, mấy tháng nay, con chị H. và cô bạn gái cùng lớp thường rủ nhau đi ăn cùng, đi đâu cũng có nhau và thường xưng “vợ”, “chồng” với nhau.

Cô giáo chủ nhiệm cũng cho biết, hiện trong lớp đang có mấy cặp đôi như vậy và dường như đang có một “trào lưu” trong trường về chuyện các học sinh bắt cặp với nhau.

Chị H. và chồng đã có buổi nói chuyện rất căng thẳng với con trai. Hay nói đúng hơn là đã vừa ngọt nhạt, vừa hăm he, mắng mỏ con. Cậu bé đã ngồi hơn một tiếng đồng hồ để nghe bố mẹ la mắng, rằng chuyện có bạn gái ở tuổi cấp 1 là “không thể chấp nhận được”, như thế là hư đốn, không lo học tập và chẳng mấy chốc mà học hành sa sút, làm thất vọng cả cha mẹ và thầy cô.

Đồng thời, anh chị cũng tìm được số điện thoại phụ huynh của cô bé “bạn gái” con trai mình, gọi điện trao đổi để cùng nhau tìm ra giải pháp cấm cản hai đứa trẻ “yêu đương” sớm. Kết quả là chị H. và chồng được như ý, cậu con trai và cô “bạn gái” cùng lớp không còn nói chuyện với nhau nữa, thậm chí không nhìn mặt nhau. Hai vợ chồng chưa kịp yên tâm được bao lâu thì cậu con trai đột ngột đòi ba mẹ nghỉ học, chuyển lớp. Truy hỏi con đến cùng, anh chị được con thổ lộ là chuyện ba mẹ cấm cản hai đứa “yêu nhau” khiến cậu bé không thể nào nhìn mặt “bạn gái cũ” và đối diện với lời trêu chọc của các bạn cùng lớp. Khi vợ chồng chị H. gạt đi, không đáp ứng, cậu bé ngày càng trở nên lầm lì, ít nói, không tương tác với gia đình, học hành sa sút. Đỉnh điểm là cậu bé rơi vào rối loạn tâm lý khiến hai vợ chồng phải đưa con đến bệnh viện khám.

Có nhiều phụ huynh, khi phát hiện con “yêu sớm”, từ cấp 1, cấp 2 đã rất lo lắng, hoảng loạn, cho rằng đó là hành vi sai trái, nguy hiểm, ra sức cấm cản, dùng các biện pháp mạnh với con. Và hậu quả là ngày càng đẩy con ra xa mình, càng khiến sự việc đi xa hơn.

Cách đây không lâu, một cậu bé đã bỏ nhà đi và được tìm thấy cách nhà hơn 200km. Cậu bé 12 tuổi đi quyết tâm “đi theo tiếng gọi tình yêu” sau khi cha mẹ phát hiện cậu hẹn hò bạn gái, cũng là học sinh cấp 2 qua mạng xã hội và đã chửi mắng, đánh đập, cấm con tuyệt đối không được lên mạng nữa.

Hiểu con để dạy con

Thực tế cho thấy, chính sự cấm đoán, chính những biện pháp mạnh, thậm chí là dùng vũ lực của cha mẹ khi phát hiện con “yêu sớm” mới khiến đứa trẻ trở nên nổi loạn và “hư” chứ không phải bản chất chuyện yêu sớm là “hư hỏng”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trẻ con ngày nay được thụ hưởng chế độ dinh dưỡng tốt, dễ phát triển sớm về cả thể xác, sinh lý. Đồng thời sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội cùng các trào lưu trên mạng dễ dàng khiến trẻ ý thức sớm hơn về chuyện tình cảm, dễ dấn thân vào chuyện “yêu đương” ngay cả khi mới là học sinh cấp 1, cấp 2.

Chuyên gia Lê Thị Minh Nga đưa ra lời khuyên, các bậc cha mẹ không nên đưa thế hệ mình hay các thế hệ trước để so sánh, làm hệ tham chiếu của các thế hệ con cái hiện nay. Khi phát hiện con “yêu sớm”, thay vì nổi giận, chất vấn hay cấm đoán, phụ huynh nên cố gắng tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con xem thực chất mối quan hệ của con là như thế nào, có trong sáng hay là đã đi đến ranh giới nguy hiểm, để từ đó có phương pháp xử lý hiệu quả nhất. Và cho dù phương pháp nào đi nữa thì cũng không nên dùng bạo lực ngôn ngữ hay hành động mà nên trên tinh thần tôn trọng cảm xúc của con, chia sẻ và gỡ rối cùng con. Có như thế mới có thể tạo được niềm tin ở con và giải quyết được vấn đề một cách ôn hoà, tốt đẹp.

Chị Hồ Thị Cẩm Linh, giáo viên trung học ở quận 10, TPHCM đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xử lý chuyện con “yêu sớm” hiệu quả. Chị Linh cho biết, sau khi biết con gái lớp 6 đã bắt đầu “hẹn hò” với một bạn trai cùng khoá, chị đã cùng chồng thảo luận cách để có thể tiếp cận, trò chuyện cùng con.

Sau nhiều cuộc trò chuyện lân la, cởi mở, chị hiểu ra con và cậu bạn kia hoàn toàn “trong sáng”, vì cùng là học sinh giỏi tiếng Anh đi thi cấp quận, mến phục nhau trong học tập mà kết thành đôi. Từ đó, chị thường bảo con mời “bạn trai” về nhà cùng học. Vợ chồng chị cũng đối xử rất tử tế với cậu con trai kia, thậm chí còn giúp “gỡ rối” khi hai đứa giận nhau. Nhờ sự khéo léo trong cách dạy con ấy mà vợ chồng chị giúp con duy trì mối quan hệ “hẹn hò” trong sáng cho đến khi kết thúc cấp 2, mỗi đứa học ở một trường khác nhau và “chia tay”.

Có thể thấy, chuyện con “yêu sớm” có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào cách hành xử, giáo dục của cha mẹ đối với con. Lựa chọn cách đồng hành, trở thành người bạn lớn của con thay vì đối đầu, áp bức con là phương pháp mà cha mẹ hiện đại cần cân nhắc để chuyện con “yêu sớm”’được hoá giải thành chuyện nhỏ, kỉ niệm vui thời học sinh của con trẻ.

Đọc thêm