Công an, Bộ đội giúp dân khắc hậu quả cơn bão số 10

(PLO) - Cơn bão số 10 đi qua đã để lại hậu quả rất nặng nề. Quân dân, các lực lượng chức năng của Hà Tĩnh đang dốc sức khắc phục hậu quả. 

Hậu quả nặng nề

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh, mưa bão đã làm ngập 29 thôn, 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà), trong đó tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên toàn xã với 2.400 hộ bị ngập sâu từ 0,6m đến 0,7m;

Đường quốc lộ IA qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dùng hoạt động nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại.Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh bị tê liệt từ lúc 10 giờ; riêng tại thị xã Kỳ Anh bão làm đổ sập cột Ăng-ten đài tuyền hình và cột phát sóng Viettel làm mất liên lạc nhiều giờ.

Đường sá bị sạt lở nặng do mưa bão

Có trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100ha mặn, lợ (800ha tôm và 300ha nhuyển thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Công ty Grobet, thuộc xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch những chưa thu hoạch kịp bị thiệt hại nặng; gần 1.000 ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng;

Toàn tỉnh có khoảng 8.000ha cây ăn quả, trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam rất nhiều quả); mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng giúp dân, cố gắng đến mức cao nhất, tuy nhiên bão số 10 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh sẽ gây thiệt hại rất lớn. Hiện nay các địa phương đang tích cực kiểm tra để đánh giá cụ thể.

Theo báo cáo sơ bộ bước đầu được tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh có 62.512 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó: Thị xã Kỳ Anh 17.500 nhà, huyện Kỳ Anh 23.500 nhà, huyện Cẩm Xuyên 20.000 nhà, huyện Lộc Hà 749 nhà, huyện Nghi Xuân 50 nhà, huyện Thạch Hà 570 nhà; thành phố Hà Tĩnh 640 nhà; Đức Thọ 3 nhà; Hương Khê 1 nhà; nhiều trường học, trạm y tế và một số đơn vị, cơ quan bị tốc mái chưa thống kê hết.

Nhà người dân bị tốc mái

Một số đoạn đê thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên bị nước tràn qua cụ thể: Tuyến đê Tả Nghèn-Lộc Hà (đoạn đê sông con) có cống nhà Chùa (thường gọi là cống Đồng Muối tại K48) bị xói trôi gây ngập diện tích đồng muối phía trong, không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh; UBND huyện Lộc Hà đã thông báo cho nhân dân biết để có biện pháp phòng chống, đồng thời đang huy động lực lượng và chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý tạm thời. Tuyến đê biển Cẩm Hà-Cẩm Lộc bị nước triều tràn qua với chiều dài 2,0km, ngay khi xảy ra sự cố UBND huyện Cẩm Xuyên đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện tổ chức đắp con chạch bao tải chống tràn đảm bảo an toàn cho đê. 

Công an, Bộ đội giúp dân khắc hậu quả mưa bão

Ngày 17/9, Tỉnh đội Hà Tĩnh huy động 1.300 cán bộ, chiến sỹ, 9.994 dân quân tự vệ, phối hợp 350 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 324 để khắc phục hậu quả bão số 10.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh điều động 100 Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh chi viện giúp các xã Huyện Kỳ Anh, Đoàn Khối Doanh nghiệp huy động 30 ĐVTN giúp xã Kỳ Nam, Thị xã Kỳ Anh khắc phục hậu quả bão lũ; phối hợp các Đội TNTN tại chỗ của các địa phương toàn tỉnh tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân dân.

Dọn dẹp đường phố sau bão

Trước khi bão đổ bộ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ các ngành của Hà Tĩnh đã đến các địa bàn hỗ trợ nhân dân phòng chống bão; di dời, kê dọn vật dụng, đồ dùng; chằng chéo nhà cửa, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các công trình, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt, hàng trăm chiến sĩ đã “cởi áo” ra đồng giúp nhân dân kịp thời thu hoạch vụ Hè Thu, thu hoạch các loại cây ăn quả trước bão. 

Đoàn công tác của Tỉnh đoàn cũng đã tặng một số nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân và thanh thiếu nhi vùng ven biển huyện Cẩm Xuyên đang sơ tán về trú bão tại trường THPT Cẩm Xuyên, và áo pháo, phao cứu sinh cho Đội TNXK xã Xuân Viên đang làm công tác di dời nhân dân và thanh thiếu nhi ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ngay "tâm bão" Kỳ Anh đó là: Quan trọng nhất là “những giải pháp nào được đưa ra trong tình hình này”, làm sao không để còn cảnh tiêu điều những nơi bão đi qua, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.

Nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 10.

Ngay khi cơn bão đi qua, trên các tuyến đường tại các địa phương như: TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh…nơi nào có các công trình bị hư hại, nơi đó luôn có bóng dáng các chiến sỹ công an, quân đội và cán bộ chính quyền cơ sở tập trung giúp dân khắc phục, sửa chữa.

 Với tinh thần cao nhất là phương châm "4 tại chỗ", lực lượng Công an, Bộ đội đã huy động các cán bộ chiến sỹ ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp dân ổn định cuộc sống. Trọng tâm công việc là khắc phục, sửa chữa hư hỏng ở các trường học để các em học sinh sớm được trở lại trường; giúp dân sửa chữa nhà cửa, quán hàng bị sập, hư hỏng.

Dưới đây một số hình ảnh ghi lại cảnh lực lượng Công an, Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão.

Đọc thêm