Công an Hà Nội công bố kết quả ban đầu vụ sập biệt thự cổ

(PLO) - Liên quan đến vụ sập biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (PC54), Công an TP Hà Nội - cho biết, tòa nhà đã sử dụng 110 năm nên xuống cấp, gần đây thời tiết mưa dẫn tới thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tòa nhà tự sập đổ một phần.
Kết quả điều tra ban đầu của PC54 cho thấy, tòa biệt thự Pháp ở số 107 Trần Hưng Đạo - Hà Nội bị sập trưa 22/9 được xây dựng từ năm 1905, đã qua cải tạo tu sửa vào những năm 1990. Toàn nhà có diện tích mặt bằng là 1.164m2, gồm 3 khối. Khối bị sập là khối thứ 2, có diện tích khoảng 300m2, đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.

“Sơ bộ nguyên nhân ban đầu xác định tòa nhà bị đổ sập là do đã qua sử dụng nhiều năm (110 năm), đã xuống cấp. Thời tiết mưa liên tục những ngày vừa qua dẫn tới tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự đổ sập một phần” - Đại tá Nguyễn Văn Quyền cho hay.
Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đang chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra và nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân của vụ việc.
 Nạn nhân cuối cùng được đưa ra khỏi đống đổ nát.
Trước đó, khoảng 12h40 trưa 22/9, tầng 2 của tòa biệt thự Pháp cổ bất ngờ đổ sập khiến 8 người thương vong, trong đó 2 nạn nhân tử vong tên là Lê Thị Hường (46 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội, đang bán rau ở gần tòa nhà thì bị vùi lấp) và Trần Thị Nga.
Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, tòa nhà đang được Ban Quản lý dự án Đường sắt 1 trực tiếp sử dụng là nơi làm việc. Trước khi tòa nhà bị đổ sập khoảng 5 phút, cán bộ công nhân viên của Ban đã phát hiện tường nhà bị nứt và kịp thời tri hô để sơ tán nên đã tránh được thương vong.
Về phần trách nhiệm sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc này, ông Lê Văn Thịnh (nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).
Khi phát hiện công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì Ban quản lý dự án đường sắt phải thực hiện các việc như: Kiểm tra lại hiện trạng công trình; quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn đề phòng công trình có nguy cơ sập đổ.
Điều đáng tiếc là trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt chưa tổ chức kiểm định chất lượng công trình; sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành của công trình hoặc phá dỡ công trình khi cần thiết.và báo cáo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất là UBND phường.

Đọc thêm