Một trong những dấu ấn của chỉ số PAPI là trong những năm qua, các cơ quan nghiên cứu đã nỗ lực tìm hiểu vấn đề mà người dân cho là đáng quan ngại nhất và cần Nhà nước ưu tiên giải quyết. Và năm nay, phát hiện cho thấy đói nghèo vẫn là mối quan ngại lớn nhất qua nhiều năm.
Theo cơ quan nghiên cứu, việc tìm hiểu nguyên nhân có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hoạch định chính sách, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là mô hình thành công trong giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Có hai phát hiện nổi bật của PAPI để giải thích tại sao nhiều người lại quan ngại về đói nghèo như vậy. Thứ nhất, những người có thu nhập thấp lo lắng gia đình hoặc cá nhân họ rơi vào đói nghèo.
Thứ 2, nhiều người trong nhóm dân cư có mức thu nhập cao ở các tỉnh nghèo cũng quan ngại người thân trong gia đình có thể rơi vào đói nghèo (58% số người có thu nhập thấp lo bản thân họ rơi vào nghèo đói, 35% số người có thu nhập khá cũng có mối quan ngại tương tự). “Tuy nhiên, mối lo lắng vì lý do cá nhân không lớn bằng mối lo ngại đói nghèo ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước. Người dân nói chung mong đợi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước sẽ tiếp tục được cải thiện” - báo cáo PAPI nhận định.
Đánh giá về mức độ sẵn sàng chia sẻ nguồn lực cho giảm nghèo, cơ quan nghiên cứu cho biết: Khảo sát PAPI 2017 lần đầu tiên nêu câu hỏi về việc người dân có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không? Bởi ở phương diện giảm nghèo, chính sách thuế thu nhập cá nhân có ý nghĩa trong việc phân phối lại thu nhập giữa hộ giàu và hộ nghèo. Và kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam đóng thuế thu nhập cá nhân rất thấp. Trên phạm vi toàn quốc chỉ có 6,8% số người được hỏi cho biết họ đóng thuế thu nhập cá nhân năm 2017.
Theo PAPI, ngoài những điểm sáng và thay đổi tích cưc, năm 2017 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại khác như: Trong lĩnh vực quản trị đất đai, mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất tiếp tục thuyên giảm, cho dù đã ở mức thấp trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó tinh thần lạc quan về triển vọng kinh tế hộ gia đình trong nhóm những người có thu nhập thấp giảm sút trong năm 2017. “Khi được hỏi về triển vọng kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người cảm thấy bi quan tăng dần qua các năm kể từ năm 2014. Sự bi quan này phổ biến hơn trong nhóm những người thuộc các hộ có thu nhập thấp. Nếu như năm 2016 chỉ khoảng 13% trong số những người này có cảm nhận tiêu cực về tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới thì tỷ lệ này tăng lên đến 21% trong năm 2017” - theo báo cáo PAPI.