Công bố Quy hoạch tỉnh Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 22/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long tặng quà tết cho người dân tỉnh Hòa Bình
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long tặng quà tết cho người dân tỉnh Hòa Bình

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm đã công bố Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, quy hoạch tỉnh Hòa Bình được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn và được cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, quy hoạch chung của cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tỉnh Hòa Bình hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội để biến mục tiêu đến năm 2030 đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần chuẩn bị chu đáo và triển khai nhanh các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối. Đây là điều kiện để các nhà đầu tư, du khách đến với tỉnh Hòa Bình. Tỉnh cũng cần triển khai mạnh mẽ phát triển du lịch, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa Hòa Bình, tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Triển khai tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao đời sống Nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tri thức, đạo đức, sức trẻ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, thực hiện các nội dung quy hoạch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Anh Đào)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Anh Đào)

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị: Tỉnh triển khai quy hoạch theo quan điểm tuân thủ, linh hoạt, trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác. Kịp thời rà soát, điều chỉnh và tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với các nội dung thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hệ thống quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.

Bám sát 7 quan điểm phát triển, với quan điểm xuyên suốt là: Phát triển bao trùm, hài hòa; kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là cửa ngõ kết nối Hà Nội với tiểu vùng Tây Bắc; tập trung vào bốn trụ cột bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; Du lịch và Nhà ở vệ tinh gắn với giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Hòa Bình xác định các nhiệm vụ đột phá chiến lược: phát triển 2 vùng động lực tăng trưởng kinh tế là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và phát triển đa cực các đô thị là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng thời, đánh thức tiềm năng vùng lòng Hồ Hòa Bình; thực hiện 5 đột phá phát triển; 2 hành lang kinh tế; 4 ngành kinh tế quan trọng là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và nhà ở vệ tinh gắn với đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao 200 suất quà Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín, công nhân lao động tỉnh Hòa Bình.

Đọc thêm