Công bố VPE500: Thiếu vắng nhiều thương hiệu lớn

(PLVN) - Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lớn nhất Việt Nam (VPE500) vừa được công bố không có Vingroup, Cen Group hay Hòa Phát. Trong khi đó, nhà băng lại giữ vị trí áp đảo trong Top 10 khi có 8 ngân hàng được “gọi tên”.
Là tập đoàn tư nhân lớn nhưng Vingroup không có tên trong VPE500. (Ảnh: Vinhomes)

Doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97%

VPE500 do 2 đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT (Viện Chiến lược phát triển - VIDS và Tổng cục Thống kê - GSO) thực hiện với sự tài trợ của Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS). Báo cáo dựa vào số liệu điều tra DN các năm 2021 và 2022 của GSO (tương ứng với thông tin của DN trong các năm 2020, 2021) để lập danh mục VPE500.

Theo thông tin được công bố, tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn DNTN trong nước (VPE), chiếm 96,6% tổng số DN đang hoạt động, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối DN.

VPE phần lớn là các DN được thành lập sau đổi mới, có quy mô nhỏ và vừa; vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số DN có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của DN đầu tư nước ngoài và 19,52% của DN nhà nước.

Mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh/thành phố, VPE500 tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 75%) và có xu hướng tăng nhẹ. Hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội và một số địa phương có mật độ DN cao như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên chiếm khoảng 50 - 52% tổng số. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại và xây dựng.

Ngân hàng giữ vị trí áp đảo

Top 10 của VPE500 năm 2023.

Báo cáo VPE500 chỉ ra DN dịch vụ chiếm ưu thế về số lượng, đặc biệt trong Top 10. Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế với 7 DN (năm 2019), 9 DN (năm 2020) và 8 DN (năm 2021).

Số lượng DN ngành thương mại trong Top 10 giảm từ 3 DN (năm 2019) xuống còn 1 DN trong hai năm tiếp theo. CTCP Thế giới Di động là DN ngành thương mại duy nhất nằm trong Top 50 cả 3 năm, nhưng với thứ hạng giảm dần (thứ 5, 7, 8 trong các năm 2019 - 2021).

Top 10 của VPE500 năm nay có 8 ngân hàng được “gọi tên” gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).

“Nhìn vào danh sách Top 500VPE có thể nhận thấy 8 DN trong Top 10 đều đến từ lĩnh vực ngân hàng. Điều này cho thấy nhóm này tăng trưởng tốt ngay cả trong thời điểm COVID-19” - ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện KAS nhận định.

Đáng chú ý, Sacombank là ngân hàng 3 năm liền giữ vị trí số 1 trong Top 10 (2019 - 2021). Mặc dù đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022 nhưng vì số liệu được tổng hợp trước năm 2022 nên trong VPE500 năm 2023, SCB vẫn giữ vị trí thứ 7.

Nếu tính Top 50 của VPE500 năm 2023 thì có 20 DNTN là ngân hàng nằm trong Top 50 này.

Vì sao Vingroup, Cen Group không được xếp hạng?

Tại sự kiện công bố VPE500, đại diện KAS - đơn vị tài trợ đã bày tỏ băn khoăn khi không thấy tên Vingroup, Cen Group trong VPE500.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế (VIDS) cho biết, đây là lần thứ hai VPE500 được công bố. Việc xác định danh sách VPE500 dựa trên 3 tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu gộp. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo 3 tiêu chí trên.

Về việc không có tên Vingroup, Cen Group và cả Hòa Phát trong VPE500 năm nay, theo TS Thắng, thực tế có tập đoàn có nhiều DN con nhưng sở hữu 1 người. Ví dụ Vingroup đăng ký nhiều DN khác nhau. Trong khi báo cáo này được xử lý theo mã số thuế, với 500 DNTN lớn, nhóm nghiên cứu không thể “dò” “ông này có thuộc sở hữu của ông kia không”, nhưng khi cộng các DN con vào thì sở hữu rất lớn. “Đây là hạn chế của nghiên cứu” - ông Thắng thừa nhận.

Băn khoăn với việc ngân hàng luôn giữ vị trí áp đảo trong Top 10, TS. Nguyễn Tú Anh (Ban Kinh tế TW) cho rằng thay vì tiêu chí vốn tự có, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tiêu chí tài sản để tổng hợp.

Theo chuyên gia này, với các ngân hàng, tài sản tính cả vốn huy động, hay với DN, hàng nhập được tính là tài sản của DN. Do vậy, nếu theo tiêu chí tài sản thì ngân hàng luôn đứng đầu. Đặc biệt, thời kỳ COVID-19, các ngân hàng cho giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên tài sản của nhóm ngân hàng cũng tăng lên. Ngoài ra, một số ngân hàng có sở hữu nước ngoài (trước năm 2022, VPBank 15% sở hữu nước ngoài, hiện là 17,5%) nên tài sản của ngân hàng cũng tăng lên…

Chỉ ra hạn chế của VPE500, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam là nền kinh tế mở, do vậy cần nghiên cứu thêm về chỉ số xuất khẩu, cũng như nguyên nhân số DN không trụ được VPE500 (khoảng 158 DN)…

Đọc thêm