Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định như trên tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng nay, 3/7. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024).
Hoạt động của KTNN góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo KTNN, công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.
“Từ một cơ quan “giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do NSNN cấp”, địa vị pháp lý là cơ quan thuộc Chính phủ, khuôn khổ pháp lý hoạt động là Nghị định của Chính phủ, KTNN đã vươn lên trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên.
"KTNN ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; cung cấp nhiều thông tin xác thực, có chất lượng, giúp Quốc hội có thêm căn cứ quan trọng để xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định.
Các đại biểu tại Hội thảo. |
KTNN cũng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; phối hợp và cung cấp thông tin cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng và Nhà nước.
Kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém; kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động của KTNN cũng đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng “KTNN sẽ hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Kiến nghị kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, điểm lại kết quả trên chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn thông tin, tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40%.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Trong đó có đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật NSNN, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
“KTNN ngày càng khẳng định là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN; đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước...”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Trong chặng đường phía trước, để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đặt ra, trước mắt là mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Tổng KTNN khẳng định KTNN sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở 3 trụ cột phát triển về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ; kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 30 năm xây dựng và phát triển; xây dựng văn hóa KTNN “Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Hiện đại”; tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” nhằm đạt mục tiêu “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”; hướng tới vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Sau phiên khai mạc, Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên với 4 tọa đàm. Các ý kiến tại Hội thảo đều nhấn mạnh, quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế của đất nước.