Công đoàn “mạnh tay” bảo vệ người lao động đi xuất khẩu

(PLO) - Sáng nay (10/7), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Công đoàn tham gia xây dựng chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” để có thêm cơ sở hoàn thiện kiến nghị đề xuất chính sách tăng cường sự tham gia trực tiếp của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong hệ thống luật pháp, chính sách liên quan.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Thực tế, NLĐ di cư luôn có nhiều nguy cơ rình rập vì khoảng 70% là LĐ nông thôn, có tay nghề thấp, chưa có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, học vấn hạn chế. 
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, những “kẽ hở” trong chính sách, pháp luật về NLĐ di cư đang khiến  NLĐ phải trả chi phí cao, bị xâm hại quyền lợi mà không được bảo vệ, bị về nước trước hạn, lâm vào nợ nần, không có khả năng chi trả, “vượt rào” để lưu vong, vi  phạm qui định để bù đắp chi phí đã bỏ  ra. Cùng với đó, tình trạng “cò mồi”, phí bị biến tướng… cũng đang khiến NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ rơi vào thảm cảnh, “mất tiền mà không đi được” hoặc bị đưa đi bất hợp pháp…
Cùng với đó, quá trình thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể liên quan, giải quyết khiếu nại, tố cáo của NLĐ và đảm bảo tiếp cận của NLĐ tới hệ thống tư pháp chưa kịp thời, thiếu cơ chế, thiết chế cụ thể hỗ trợ NLĐ trở về tái hòa nhập, tư vấn giúp đỡ NLĐ trở về gặp khó khăn, nhất là LĐ nữ, LĐ về trước hạn do rủi ro…
Do vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị, cần bổ sung qui định nhân thân cam kết bảo lãnh NLĐ thực hiện hợp đồng dịch vụ, đồng thời với việc thực hiện bảo lãnh về kinh tế. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ NLĐ di cư tránh những rủi ro có thể xảy ra trong điều kiện có nhiều rào cản về pháp lý đối với hoạt động di cư tại cả nước phái cử và nước tiếp nhận.
Đồng thời, theo ông Trần Văn Tư – Trưởng phòng chính sách kinh tế -xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cần có cơ chế “3 bên” quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để bảo đảm việc sử dụng Quỹ hiệu quả, bổ sung qui định về quyền được hỗ trợ của NLĐ trong việc đàm phán ký kết hợp đồng với đơn vị tuyển dụng, giao nhiệm vụ cho Công đòan cùng cơ quan quản lý Nhà nước thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng trong hoạt đồng XKLĐ để điều chỉnh những điều khoản chưa phù hợp, bảo vệ quyền lợi của NLĐ…/.
Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm trung bình Việt Nam đưa được gần 80.000-90.000 NLĐ đi làm việc và thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài ở 30 nhóm ngành nghề, trong đó chủ yếu là chế tạo, hán hộ công, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng, vận tải biển, nông lâm nghiệp, dịch vụ… Vào tháng 6/2015, có  khoảng 560.000 NLĐ đang thực tập và làm việc tại trên 49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ước tình, mỗi năm, NLĐ Việt Nam tại nước ngoài gửi về gia đình trên 2 tỷ USD.

Đọc thêm