Cộng đồng cùng giữ “Vì một Việt Nam xanh”

(PLVN) - Rừng là “lá phổi xanh” của trái đất. Cây xanh, trong quá trình quang hợp, hấp thụ khí CO2 và nhả ra khí oxy cần thiết cho sự sống. Hiện nay, ở nhiều địa phương, trồng rừng đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dù thời tiết tại Bình Thuận không mấy dễ chịu, nắng nóng gay gắt, nhưng những tình nguyện viên vẫn nở nụ cười tươi, không ngại khó khăn để gieo mầm xanh xuống vùng đất cằn cỗi. (Ảnh: Gaivn.org-Anh Truong)

Cúng dường cây xanh để trồng rừng

Rừng có tác dụng làm trong sạch không khí; tán lá cản và giữ bụi; lá cây tiết ra nhiều loại chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí. Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trong rừng có nhiều loại cây khác nhau. Ðây là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi. Rừng bảo vệ và cải tạo đất. Nhờ có tán lá xoè rộng như chiếc ô, nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa. Rừng nuôi đất, bồi bổ cho đất.

Trong các kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật đã nhiều lần dạy về việc giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển sự sống bằng cách khuyến khích việc trồng cây xanh để có thêm bóng mát. Đức Phật dạy rằng: “Trồng cây xanh để có thêm bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho bản thân ta”.

Chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã vận động các phật tử không cần phải phóng sanh thả cá, thả chim; không cúng dường sổ đỏ, tài sản, tiền bạc,... chỉ cần cúng dường bằng cây cho đợt trồng rừng đầu tiên năm 2024 tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (Cát Tiên). Nhà chùa đã tổ chức hơn 100 phật tử cho đợt trồng rừng đầu tiên năm 2024 tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với gần 1.000 cây rừng. Càng ý nghĩa hơn khi sau trồng cây, nhà chùa và phật tử có chuyến trải nghiệm dưới tán rừng và được các chuyên gia của Khu dự trữ giới thiệu về các loại dược liệu quý hiếm có trong khu rừng, cây bản địa tại địa phương, cũng như nhận diện cấu trúc của một khu rừng nhiệt đới. Nhà chùa đang quyên góp, vận động trồng rừng nhiều nơi trong nước, tổ chức các chuyến đi trồng cây. Năm nay, nhà chùa tổ chức cho các phật tử và đoàn thể đã đóng góp hoặc muốn hỗ trợ công sức cho dự án này đi trồng cây vào các tháng 5, 6, 7 năm 2024 ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Ngoài chùa Diệu Pháp, nhiều năm nay, tịnh xá Ngọc Vạn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã vận động người dân, phật tử tham gia “Cánh rừng xanh” với mục đích trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc ngay tại núi Ngọc Vạn vốn rất khó trồng cây do đồi dốc núi đá. Thế nhưng, người trụ trì tịnh xá này cùng phật tử đã trồng hàng chục ngàn cây rừng, hình thành hàng ngàn héc ta rừng trong nhiều năm qua.

Tại chùa Cổ Am (tỉnh Hưng Yên) các phật tử đã cúng dường cây xanh. Sau nghi lễ niêm hương bạch Phật, Thượng tọa Thích Hạnh Bình, trụ trì chùa Cổ Am phát biểu khai mạc, nói lên ý nghĩa của buổi lễ; đồng thời khích lệ phật tử tích cực trồng nhiều cây xanh, có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống cho chính mình và muôn loài. “Trong điều kiện môi trường sống hiện nay, không khí và nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm ở nhiều nơi, việc mỗi phật tử chung tay góp sức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống như trồng nhiều cây xanh, không vứt rác bừa bãi, giảm thiểu sử dụng túi nilon,… chính là những việc làm ý nghĩa cúng dường chư Phật” - Thượng tọa nhắc nhở.

Tại chùa Khánh Long, xã Minh Nghĩa (Nông Cống, Thanh Hóa), Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức phát động lễ trồng cây chương trình “Chùa xanh”. Đây là dự án cộng đồng hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - “Vì một Việt Nam xanh”. Chương trình “Chùa xanh” là dự án cộng đồng nhằm kêu gọi sự chung tay của các phật tử, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp yêu môi trường, trồng nhiều cây xanh, cây bóng mát trong chùa đền, khu di tích lịch sử văn hóa, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho mọi người đúng như lời Đức Phật dạy. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trồng 422 cây, gồm 160 cây giáng hương, 160 cây mít, 100 cây mẫu đơn và 2 cây gạo trong khuôn viên chùa Khánh Long.

Tại chùa Vạn Linh (xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cũng đã tổ chức chương trình “Chùa xanh”. Đại đức Thích Nguyên Từ cho biết, được sự đồng thuận của các cấp chính quyền xã Quảng Văn, cũng như bà con Nhân dân Đạo tràng phật tử chùa Vạn Linh đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân trồng cây xanh với mong muốn làm cho môi trường và cảnh quan ngôi chùa được trong lành và xanh hơn, thông qua đó nhằm giáo dục cho Nhân dân nhất là thế hệ trẻ hiểu được những việc làm ý nghĩa mang tính nhân văn của Phật giáo.

“Trồng rừng cho tương lai”

Và không chỉ phật tử cúng dường bằng cây rừng, vài năm gần đây, người dân và doanh nghiệp trong nước đã dần quen với hành động làm từ thiện bằng… trồng cây rừng, góp tiền trồng rừng.

Sáng ngày 16/8/2024, 350 nhân viên của L’Oréal Việt Nam lên đường đến khu vực rừng Nam Cát Tiên để thực hiện “Ngày Hoạt động vì cộng đồng thứ 15” tại Việt Nam để chia sẻ niềm vui đến với những cộng đồng khó khăn qua đa dạng các hoạt động làm ích lợi cho cộng đồng.

“Trồng rừng cho tương lai” góp phần khôi phục rừng đặc dụng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực gây biến đổi khí hậu tại Việt Nam, với nỗ lực hình thành những mảng xanh để giúp hấp thụ khí carbon, tiến gần đến mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, góp phần vào mục tiêu chung Net Zero 2050 mà Chính phủ đã và đang đẩy mạnh.

Hàng trăm nhân viên của L’Oréal Việt Nam cùng “Trồng rừng cho tương lai”.(ảnh: T. Trinh)

Hàng trăm nhân viên của L’Oréal Việt Nam đã cùng làm việc cho các sứ mệnh liên quan đến môi trường như phủ xanh 5ha rừng Cần Giờ, “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh, phục hồi hệ sinh thái cho 5ha rừng Cát Tiên, một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam. Với nỗ lực tái tạo lại rừng đặc dụng, L’Oréal Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Vườn Quốc gia Cát Tiên chương trình hành động “Trồng rừng cho tương lai 2022 - 2027” với các giống cây gỗ quý như gõ đỏ, giáng hương, cẩm lai… và rừng ăn trái cho động vật hoang dã.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại L’Oréal Việt Nam cho biết: “Trồng rừng cho tương lai” là chương trình trồng rừng từ nguồn lực xã hội hóa mà đơn vị tổ chức và những người yêu thiên nhiên muốn lan tỏa rộng rãi sự chung tay, góp sức của cộng đồng thông qua việc trồng và giữ rừng bền vững. Cùng với trồng rừng, chương trình còn hướng tới triển khai ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng để phát triển bền vững ở khu vực đầu nguồn các con sông”.

Trước đó, cuối tháng 3/2024, Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình tham quan mô hình rừng trồng và tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh”. Ðây là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của chương trình "Góp một cây để có rừng" năm 2024 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về rừng.

Quảng Bình là điểm khởi đầu của chương trình "Góp một cây để có rừng". Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La. Ðến tháng 3/2024, VARS trồng được hơn 521ha rừng, tương đương với 617.102 cây giống bản địa, như: Lim, dổi, huỵnh, vàng tim, de, lát, xoan... Diện tích rừng trồng của VARS thực hiện chương trình được chăm sóc, bảo vệ tốt cho nên ngày càng phát triển.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 3 năm (2021 - 2023), tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng cả nước gần 9.450 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm 43,5% - là con số rất lớn thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của nhiều tập thể, cá nhân trong việc trồng và phục hồi rừng cho phát triển bền vững điển hình là với dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn”. Trong 3 năm qua, VARS đã cùng với chính quyền các huyện ở Quảng Bình và Quảng Trị trồng được hơn 520ha rừng bằng cây giống bản địa ở những vùng đầu nguồn các con sông lớn như sông Gianh, sông Thạch Hãn, là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Mỗi một cây trồng xuống là công sức, là sự kiên trì, tận tâm của những người dân yêu thiên nhiên, những cán bộ địa phương đã trồng rừng, chăm cây mỗi ngày.

Đọc thêm