Công Lý: 'Mặt địa phương nên không được đóng giai phố'

“Tôi là người Hà Nội nhưng lại không được đóng vai Hà Nội. Người ta bảo tình ngay lý gian không có sai. Đúng là giọng trung ương mà mặt địa phương”, Công Lý hài hước
Công Lý mặt địa phương nên không được đóng vai phố.
Công Lý mặt địa phương nên không được đóng vai phố.

Công Lý tiết lộ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng anh chưa được đóng vai người Thủ đô bao giờ. Trong “Chiều ngang qua phố cũ”, nam diễn viên cũng đóng vai chàng rể - một nhân vật quê ở Quảng Ninh, lấy gái Hà Nội. “Chiều ngang qua phố cũ” (26 tập) sẽ lên sóng vào 20h45 thứ năm, thứ sáu hàng tuần trên VTV1, bắt đầu từ 2/12/2016 hứa hẹn sẽ là món ăn tinh thần hấp dẫn với khán giả truyền hình.

Công Lý vào vai Tuyền- một người đàn ông chân chất, hiền lành nên được gia đình nhà vợ rất yêu quý. Khi biến động của gia đình ập đến khiến vợ suy sụp, chính Tuyền lại là người cứng cỏi, vững vàng nhất.

Nam diễn viên sinh năm 1973 cho biết anh không gặp khó khăn khi vào những dạng vai kiểu như Tuyền vì quan niệm “đẩy cảm xúc lên mới khó chứ tiết chế từ nhân vật hài sang những vai đậm chất tự sự thì đơn giản hơn nhiều”.

Công Lý cùng con gái riêng chụp ảnh với vợ cũ Thảo Vân trong buổi họp báo phim Chiều qua phố cũ.
Công Lý cùng con gái riêng chụp ảnh với vợ cũ Thảo Vân trong buổi họp báo phim Chiều qua phố cũ.

Lấy bối cảnh về một đại gia đình Hà Nội gốc, bộ phim truyền hình “Chiều ngang qua phố cũ” là câu chuyện đời sống hiện đại của một gia đình truyền thống, những xung đột thế hệ, những va đập giữa quan điểm sống tình cảm và thực dụng, những ưu tư, hoài niệm về một lối sống thanh lịch đang dần bị mai một giữa cuộc sống bộn bề. 

Những bộ phim về chủ đề gia đình đã trở nên khá quen thuộc với đông đảo khán giả truyền hình, thế nhưng hiếm khi nào chúng ta lại thấy được, quy tụ ở cùng 1 bộ phim nhiều diễn viên kỳ cựu như Chiều ngang qua phố cũ.

Nhiều năm qua, NSND Anh Tú không tham gia đóng phim truyền hình, một phần vì để tập trung hơn vào công tác đạo diễn kịch, nhưng phần lớn là vì bản thân anh là một người rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn kịch bản, lựa chọn vai diễn. Và anh bị thuyết phục bởi nhân vật Thành trong “Chiều ngang qua phố cũ”.

Ngoài NSƯT Công Lý, bộ phim còn có sự góp mặt của  một loạt tên tuổi nổi tiếng khác như NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Công Lý, NSƯT Hoàng Lan, Hoa Thuý… Sẽ chẳng quá khi nói rằng đây là một dàn sao, nhưng không phải là những ngôi sao mới nổi như ở nhiều bộ phim khác, mà là những ngôi sao đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Có lẽ nhiều người sẽ hỏi, điều gì khiến đạo diễn Trịnh Lê Phong cần chọn lựa một dàn diễn viên giàu kinh nghiệm diễn xuất như vậy?. Câu trả lời không đâu khác nằm ở câu truyện phim với những mâu thuẫn căng thẳng và 1 hệ thống các nhân vật có chiều sâu tâm lý phức tạp.

“Chiều ngang qua phố cũ” là bức tranh tổng thể về một đại gia đình họ Trần, gốc Hà Nội. Riêng cái tên cha mẹ đặt cho 4 anh em ruột đã thể hiện phần cốt cách văn hóa của một gia đình Hà Nội nhiều đời: Hà, Thành, Thanh, Lịch. Cuộc sống của bốn gia đình với những nàng dâu, chàng rể đang êm đềm trôi thì biến cố xảy đến. Thành, người con trai thứ 2 muốn xây dựng nghĩa trang dòng họ trên mảnh đất của gia đình anh. Mâu thuẫn bùng nổ. Mai Hoa, vợ Thành quyết chiến đòi quyền lợi thừa kế hương hỏa là căn nhà có sân vườn cổ của cha mẹ chồng để lại, hiện thời vợ chồng người con gái út- Lịch, Tuyền đang ở.

Đại gia đình bị chia làm nhiều phe. Cuối cùng, căn nhà vẫn phải rao bán, nhưng chính quãng thời gian vật lộn với những mâu thuẫn phát sinh từ cái nôi của đại gia đình, từng thành viên đã hiểu sâu sắc giá trị của mối quan hệ huyết thống, anh em ruột thịt, vợ chồng con cái.

Dàn diễn viên đóng trong Chiều ngang qua phố cũ
Dàn diễn viên đóng trong Chiều ngang qua phố cũ

Xung quanh câu chuyện nên hay không giữ lại ngôi nhà gắn liền với kí ức đẹp đẽ, truyện phim cũng tái hiện nếp nghĩ, sinh hoạt, thói quen ứng xử đặc trưng của người Hà Nội, trong đó có những điều tốt đẹp nhưng cũng có những cái đã cũ kĩ, cần được cởi bỏ. Sự xung đột về quan niệm sống, hành xử giữa những nhân vật trong cùng một đại gia đình, giữa các thế hệ cha mẹ và con cái, cuộc đấu tranh, dằn vặt trong chính nội tâm mỗi người để giữ lại những giá trị đích thực và chia tay với những điều khiến họ tiếc nuối nhưng không còn phù hợp trong đời sống hiện đại.