"Công nghệ" biến "giấy lộn" thành "giấy tiền triệu"

Những ngày đầu năm 2012, thông tin công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ một đường dây làm vé tàu rởm khiến những người đã “trót” mua vé tại “chợ đen” trước cổng ga Sài Gòn lo “sốt vó”. Theo thông tin từ nhà ga, công nghệ làm vé rởm của những đối tượng này tinh vi đến mức mắt thường không thể phát hiện mà chỉ có thể nhận ra khi đưa vào máy.

Những ngày đầu năm 2012, thông tin công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ một đường dây làm vé tàu rởm khiến những người đã “trót” mua vé tại “chợ đen” trước cổng ga Sài Gòn lo “sốt vó”. Theo thông tin từ nhà ga, công nghệ làm vé rởm của những đối tượng này tinh vi đến mức mắt thường không thể phát hiện mà chỉ có thể nhận ra khi đưa vào máy.

 

Mất tiền triệu mua… tấm giấy lộn

Sự việc chỉ được phát hiện khi một hành khách sau khi mua vé từ “con phe” trước cổng bỗng thay đổi lịch trình đi lại và mang vé đến nhà ga hoàn trả lây lại tiền. Trước đó, vào ngày 20/12/2011 người này có nhờ cô ruột mua hộ một chiếc vé tàu tuyến Vinh - Sài Gòn khởi hành ngày 28/01/2012 (mùng 6 tết). Người cô đến ga Sài Gòn nhưng khi đó vé cho tuyến này xuất phát thời điểm đó đã hết. Ra sân ga thì người cô được một thanh niên mời chào, mua vé “chợ đen” với giá gần 900 ngàn đồng.

Chiếc vé này ghi chặng đường là Vinh – Tp Hồ Chí Minh, khởi hành ngày lúc 20h57 ngày 28/01/2012, chuyến tàu số hiệu TN5, toa hai, hạng ghế mềm, số thứ tự ghế là 8, số seri 0369867. Là người từng nhiều lần đi tàu hỏa nên tự cho rằng mình có kinh nghiệm, người mua dù đã kiểm tra rất kỹ các thông số của vé nhưng không thấy có biểu hiện là gì nên yên tâm trả tiền rồi nhận vé mang về cho cháu.

Tuy nhiên do thay đổi lịch trình nên sáng 9/01/2012, hành khách đến ga Sài Gòn làm thủ tục trả lại chiếc vé này. Nhưng khi nhìn chiếc vé, nhân viên nhà ga đã nhận ra sự khác lạ liền cho vé vào máy quét thẻ thì thông tin của vé không hiện nên, tra số seri thì không có. Bảo vệ nhà ga lập tức lập biên bản giữ người, giữ vé, báo cáo lãnh đạo ga và bàn giao vị hành khách cùng chiếc vé tàu giả về công an Phường 9 (Quận 3) để làm rõ.

Vị hành khách khốn khổ này đã bị nghi oan và phải tìm cách chứng minh mình bị oan ức. Khi mời người cô của hành khách là người đã trực tiếp mua vé đến cơ quan công an, người này cho biết sự việc và đã nhận ra mặt của đối tượng bán vé rởm cho mình. Trưa cùng ngày công an đã bắt đối tượng Trần Trung Hiếu (SN 1988, thường trú phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cùng 19 vé tàu hỏa giả.

Công an nhận thấy như vậy đã xuất hiện vé giả ngay từ giữa tháng 12/2011, các đối tượng làm vé rởm cũng rất khôn ngoan khi làm giả những vé chiều vào Sài Gòn sau Tết, hoặc vé khởi hành vào những ngày cận tết. Như vậy, chúng tính toán ít nhất một tháng sau khi được bán thì những vé này mới bị phát giác và lúc đó chúng đã “cao chạy xa bay”.  

Tuy nhiên, chúng đã không tính tới trường hợp những người bị chúng lừa có thể đổi, trả vé và sự việc bị phát giác sớm hơn chúng dự định.

Những vé tàu giả bị thu giữ. Ảnh do ga Sài Gòn cung cấp.

“Kho vé rởm” trong... túi quần

Tại cơ quan công an, Hiếu khai nhận hắn chỉ là “mắt xích cuối cùng” trong đường dây làm giả, tiêu thụ vé tàu rởm. Gã đã mua tổng cộng 51 vé tàu hỏa của Trần Nữ Hồng Nhung (SN 1987, ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú; tạm trú đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) với giá tiền 78,5 triệu đồng.

Khi mua với giá này, cứ mỗi vé chiều đi bán ra với giá tiền ghi trên vé "rởm", Hiếu sẽ lời 170 ngàn đồng; với vé chiều vào Tp Hồ Chí Minh sẽ lời 190 ngàn đồng. Hiếu đã giao trước cho Nhung số tiền 41 triệu đồng và đã tiêu thụ được 32 vé.

Khi mời đối tượng Nhung về trụ sở công an phường để làm việc, qua đấu tranh thị khai nhận chính là chủ mưu, kẻ cầm đầu đường dây làm giả vé. Trước đó thị đem vé tàu hỏa thật đến nhờ đối tượng Trần Bá Dũng (SN 1985, quê thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận; tạm trú tại đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) “chế” vé giả.

Với kỹ thuật chỉnh sửa trên máy vi tính, trước tiên Dũng dùng vé thật scan lên máy tính, sau đó dùng phần mềm photoshop xóa các thông số cũ rồi điền thông số mới vào tùy ý, căn chỉnh màu mực sau cho khi in ra giống bản chính. Dũng khai nhận chỉ sau khoảng 30 phút với một máy tính, một máy scan, một máy in màu, gã có thể phù phép ra hàng ngàn vạn vé giả. Với chi phí cho giấy in và mực in mất khoảng vài ngàn đồng mỗi tờ, các đối tượng có thể kiếm lời hàng chục triệu đồng từ mỗi tờ giấy lộn.

Để thuận lợi cho Nhung, Dũng còn làm ra những mẫu vé sẵn với các hành trình khác nhau dưới định dạng file ảnh rồi lưu vào USB cho Nhung để khi cần có thể in ra ở bất cứ chỗ nào có máy in màu. Nhung khai thị đã nhờ Dũng in nhiều lần tổng cộng là 51 tấm vé giả, trả cho Dũng số tiền 2,6 triệu tiền công.

Trung tá Lâm Văn Phương, Trưởng công an phường 9 cho biết chiều 12/1 vừa qua công an phường đã chuyển hồ sơ vụ việc và 3 đối tượng bị tạm giữ là Trần Bá Dũng, Trần Nữ Hồng Nhung và Nguyễn Trung Hiếu cho công an quận để tiếp tục điều tra làm rõ và xem xét khởi tố vụ án.

Ông Thái Văn Truyền, Phó Trưởng ga Sài Gòn nhận định những tờ vé giả: “Các đối tượng làm giả rất tinh vi, giống vé thật cả mặt trước và mặt sau, có cả mã số, mã vạch, số seri, chỉ khác là những số seri này không có trên hệ thống máy của nhà ga nên khi quét vé bằng máy thì thông tin khách hàng không hiện lên”.

Ông Truyền cũng khuyến cáo người dân: “Vé giả khác vé thật là hơi dày hơn một chút. Tuy nhiên thường thì chỉ nhân viên nhà ga nhiều năm kinh nghiệm cầm vào mới có thể nhận biết rồi kiểm tra trên máy, còn hành khách sẽ rất khó biết được. Trước tình trạng này, ga đề nghị hành khách đến mua vé tàu hỏa hãy mua vé ở nhà ga hoặc những đại lý bán vé chính thức, tuyệt đối không nên mua vé trôi nổi của cò vé”.

Cũng theo vị phó ga này, từ ngày 14/1/2012 ga Sài Gòn sẽ lập 8 tổ kiểm tra tại ga để kiểm tra tên hành khách đi tàu và in trên vé. Nếu hành khách nào có tên trên vé không trùng khớp với CMND (hoặc các giấy tờ tùy thân khác) sẽ bị từ chối lên tàu và nhà ga sẽ không hoàn trả lại tiền. Với hành khách đi theo gia đình, theo đoàn nhưng không trùng tên trên vé thì có thể đến ga trước giờ tàu chạy 24 tiếng đồng hồ để làm thủ tục đổi tên.

Vé tàu của Trung Quốc khó bị làm giả

Vé tàu Trung Quốc

Những năm gần đây, ngành đường sắt Trung Quốc cũng bị các đối tượng phạm tội làm giả vé nên mới đây nước này đã ban hành mẫu vé chống làm giả với một số đặc tính sau: Làm bằng chất liệu đặc biệt nên sờ vào có cảm giác tay trơn nhẵn, bằng phẳng, không gồ ghề, in ấn đường nét tinh xảo; có độ dẻo tốt, khi gập lại miết chỗ gấp thì giở ra vẫn rất khó phát hiện ra vết gấp, tức tính đàn hồi của vé rất mạnh.

Ccó chữ “đường sắt Trung Quốc” cùng một biểu tượng hình tròn khuyết có đường kính khoảng 2,5 cm và chữ “CR” chống giả, khi thay đổi góc ánh sáng của vé thì có thể nhìn thấy những chữ này cùng màu với màu nền của vé; phía phải của vé có đường mực đứt đoạn, bên góc trái có đường mực liền.

Như vậy trên mỗi tấm vé thật đều có một số chỗ có đường mực liền, một số chỗ có đường mực đứt đoạn và công nghệ này đối tượng làm giả rất khó có thể làm được.

Hoàng Giang

Đọc thêm