Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 29/12, cùng với nhìn lại những kết quả đạt được của Bộ, ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh: Theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ hợp nhất với nhau và trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Hai Bộ hợp nhất với nhau phải tìm ra được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên.
Bộ KH&CN quản lý về phát triển công nghệ nói chung. Bộ TT&TT quản lý công nghệ thông tin, công nghệ số (CNS) - là những công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác, CNS là các công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: “Tên của Bộ TT&TT ban đầu thực ra là Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, nhưng vì Quốc hội thấy 2 Bộ đều có chữ “công nghệ” nên cắt đi chữ “công nghệ” để tên Bộ trở thành Bộ TT&TT. Công nghệ chính là điểm chung, tạo ra sự hiệp lực, cộng lực và cộng hưởng của hai Bộ. Chữ “truyền thông” trong cả tiếng Việt và tiếng Anh đều có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là viễn thông, nghĩa thứ hai là Media, là các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông xã hội. Tên mới của Bộ hợp nhất là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông vừa bao quát được hết các lĩnh vực của hai Bộ, lại vừa thể hiện được cái cộng lực, cộng hưởng của hai Bộ là công nghệ”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển công nghệ thì chủ yếu là ở doanh nghiệp. Trên 50.000 doanh nghiệp CNS thuộc quản lý của Bộ TT&TT nay sẽ được tiếp cận nhanh hơn với các kết quả nghiên cứu của Bộ KH&CN. Làm cho KHCN gần hơn với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu KHCN thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Bộ trưởng Hùng tin tưởng, hai Bộ hợp nhất với nhau sẽ thành một Bộ mới rất quan trọng, rất lớn của đất nước. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 22/12/2024. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Bộ mới hợp nhất - Bộ KH, CN và TT sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: T.Anh) |
Nghị quyết 57 xác định, bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, KHCN là nền tảng, tạo ra tri thức và công cụ. ĐMST là động lực, chuyển hóa các tri thức mới, công cụ mới thành ý tưởng, giải pháp. CĐS là hiện thực hóa tri thức, công cụ, ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế. Trong bộ 3 này thì ĐMST cũng là điểm chung của 2 Bộ. ĐMST là cầu nối giữa KHCN và CĐS. KHCN cần ĐMST để thúc đẩy ứng dụng. CĐS cũng cần ĐMST để thay đổi cách thức vận hành, quản trị và sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ KHCN để làm chủ tiến trình CĐS Việt Nam; giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn về CĐS, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: vừa làm chủ tiến trình, công nghệ CĐS và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước. Từ nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam.
Bộ trưởng nhắc lại, Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Từ nay, CĐS đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân, CĐS Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chúng ta kỳ vọng CĐS sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước ta tròn 100 năm.
Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý chủ đề cho năm 2025 là: CĐS toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng CĐS, kinh tế số có thể đóng góp tới 3% vào tăng trưởng GDP hàng năm của các nước đang phát triển.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng Hùng bày tỏ, Hội nghị lần này tạo ra một trang mới rất thách thức nhưng cũng đầy vinh quang, nhất là khi Bộ TT&TT hợp nhất với Bộ KH&CN trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.