Công nghệ lạc hậu "bó chân" doanh nghiệp nhỏ

Xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tư túc, trong bối cảnh đối diện với nhu cầu chuyển sang bước phát triển kinh tế hàng hoá, hội nhập thế giới, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông-lâm-thuỷ sản cho rằng họ khó có thể đổi mới công nghệ dù biết rằng mình đang lạc hậu.

Xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tư túc, trong bối cảnh đối diện với nhu cầu chuyển sang bước phát triển kinh tế hàng hoá, hội nhập thế giới, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông-lâm-thuỷ sản cho rằng họ khó có thể đổi mới công nghệ dù biết rằng mình đang lạc hậu.

Chưa đổi vì chưa có lợi

Tại Hội thảo Đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và giới thiệu quỹ uỷ thác tín dụng xanh vừa  được Hiệp hội DN TP. Cần Thơ tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Minh Toại, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, hiện tại chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Cần Thơ các DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ đa số.

Nhiều lực cản khiến doanh nghiệp ngần ngại đổi mới công nghệ
Nhiều lực cản khiến doanh nghiệp ngần ngại đổi mới công nghệ

Cụ thể, ở lĩnh vực nông-lâm thuỷ sản, trong tổng số 48 DN thì 23 DN được xếp vào dạng DN nhỏ, 25 DN còn lại xếp vào dạng “siêu nhỏ”, không có DN nào được xếp vào lớp DN vừa và lớn. Trong khi đó ở các lĩnh vực khác như lĩnh vực Thương mại-Dịch vụ, với tổng số 1.860 DN thì chỉ có khoảng hơn 80 DN được xếp vào dạng DN vừa và lớn số còn lại thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ. Lĩnh vực công  nghiệp-xây dựng cũng không khả quan hơn khi có tới 1.454/1.516 DN xếp vào loại DN nhỏ và siêu nhỏ.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các DN được xếp vào dạng nhỏ và siêu nhỏ hiện nay đều có chung đặc điểm là vướng mắc về vốn và thị trường tiêu thụ. Đa số các DN siêu nhỏ được thành lập từ hộ kinh doanh cá thể với khoảng vài chục đến dưới 100 công nhân khi đi vào hoạt động đều có nhu cầu đổi mới công nghệ để quản lý sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những khó khăn họ mắc phải đều giống nhau ở chỗ là dù biết lạc hậu nhưng chưa thể nào đổi mới công nghệ.

Anh Diệp Minh Luân, một chủ DN chuyên kinh doanh lĩnh vực thiết bị y tế trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, trước đây gia đình anh mở ra kinh doanh hiệu thuốc tây, sau đó vì có một số anh em và bạn bè được đào tạo chuyên ngành y tế về hợp tác cùng làm nên đã chuyển đổi thành công ty TNHH, chuyên kinh doanh thuốc và các thiết bị ngành y tế.

Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi thành lập công ty thì vì nhu cầu mở rộng kinh doanh bắt buộc DN của anh phải chuyển đổi trụ sở, thay đổi và sắm mới nhiều trang thiết bị. Tính chung số vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ đồng. Anh Luận cho biết, với tổng số góp vốn vào của các thành viên trong công ty, cộng với các khoản vay mượn thêm từ ngân hàng và bên ngoài thì cũng tạm đủ để trang trải.

Nhưng khi đi vào kinh doanh thì sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng lợi nhuận thu được đều ít hơn so với trước đây khi còn kinh doanh cá thể.

Theo anh Luân, ngay từ lúc đầu mở ra kinh doanh ngành thuốc anh đã có ý định phát triển lên công ty để đa dạng hoá dịch vụ chăm sóc y tế. Nhưng sau khi chuyển đổi, dù biết rằng nhiều thiết bị, máy móc sử dụng trong công ty đã lạc hậu so với các bệnh viện và các phòng khám lớn nhưng công ty của anh không thể nào đầu tư mua sắm được. “Nếu mua sắm các thiết bị hiện đại xong thì sợ là không còn đủ tiền mà trả lương cho anh em”, anh Luân tâm sự.

Tương tự DN Minh Luân, ông Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc một công ty  chuyên về nuôi và sơ chế tôm cho các DN XK tại huyện Thốt Nốt, cho hay: mặc dù biết rằng việc xử lý ao nuôi theo các phương pháp mới sẽ làm giảm tỷ lệ tôm chết cũng như việc đầu tư dàn máy lọc nước thải khi sơ chế tôm sẽ làm giảm mùi hôi và giảm tác động đến môi trường. Nhưng kinh phí đầu tư cho các thiết bị này quá lớn. Trong khi đó DN làm theo các phương pháp truyền thống vẫn nhận được đơn đặt hàng từ các DN khác vì thế chưa mua sắm, đổi mới công nghệ.

Cần tăng cường hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuật, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Cần Thơ, hiện nay ở VN có tới 98% DN được xếp vào dạng DN vừa và nhỏ. Trong đó, hầu hết các DN sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.

Bà Thuật cho hay, theo một số điều tra thì chỉ có 23% các DN có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Có tới 77% các DN không theo đuổi hoạt động này vì cho rằng chưa mang lại hiệu quả thiết thực trong cân đối sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Huy Cường (Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN- Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay việc chuyển giao công nghệ chủ yếu được thực hiện qua hai hình thức chính là qua các dự án liên doanh với DN nước ngoài và qua mua bán công nghệ trên thị trường.

Tuy nhiên, hình thức thứ nhất vẫn chiếm chủ đạo (90%). Mà ở hình thức này thì đa số các dự án đều chỉ tập trung vào khai thác nhân công rẻ, giá đất thấp, tiêu tốn năng lượng. Hình thức này cũng tránh các tiêu chuẩn môi trường ở chính các quốc gia đầu tư, do vậy hàm lượng công nghệ được chuyển giao còn thấp, chủ yếu là các công đoạn cuối cùng trong chuỗi giá trị.

Trong khi đó các hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ thì các DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nhiều nên việc đổi mới công nghệ ở lớp DN này diễn ra chậm chạp.

Theo TS. Cường,  hiện thực hóa việc đổi mới công nghệ trong DN, cần tiến hành rà soát, phân loại chính xác hiện trạng công nghệ của các DN, xem xét nhu cầu đổi mới công nghệ của ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh quốc gia như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp phụ trợ.

Cần áp dụng các mô hình công ty mẹ, công ty con trong quá trình đổi mới công nghệ trong DN nhất là các DN nhỏ và vừa. Theo đó, các công ty mẹ sẽ đảm nhận là đầu tiếp thu công nghệ, tiến hành nghiên cứu cải tiến đổi mới và hoàn thiện công nghệ cho phù hợp chiến lược kinh doanh, sản phẩm, thị trường.

Sau đó các công đoạn trong quy trình công nghệ mới được triển khai trong hệ thống các công ty con. Như vậy, các công ty con sẽ đảm nhận vai trò tiếp nhận công nghệ, tiếp nhận kết quả, tổ chức sản xuất theo đặt hàng của công ty mẹ, từ đó nhanh chóng tạo ra các sản phẩm mới.

Ở góc độ quản lý, ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho rằng để hỗ phát triển công nghệ cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, về mặt pháp lý các bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn thiện nội dung chương trình phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020, xây dựng đề án những giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất của các DN vừa và nhỏ.

Đồng thời nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định số 119/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích DN đầu tư vào KH&CN (như cho phép hỗ trợ tối đa từ ngân sách Nhà nước 30% tổng kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu của DN vừa và nhỏ)...

Theo ông Quốc, việc đổi mới công nghệ trong DN là một quá trình liên tục và lâu dài. Vì thế đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết đồng thời nhiều yếu tố có liên quan như ban hành cơ chế chính sách phù hợp, môi trường thực thi pháp luật minh bạch, xác định rõ nhu cầu sản phẩm mới, tìm kiếm giải pháp công nghệ tối ưu, tìm nguồn tài chính để thực thi dự án, xác định nhu cầu của thị trường thì mới có thể triển khai hiệu quả.

Thạch Bình

Đọc thêm