Niềm vui mới của Ninh Thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày đầu Xuân 2025, chia sẻ cùng PLVN, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận khẳng định quyết định tái khởi động dự án điện hạt nhân là niềm vui mới của Ninh Thuận. “Với việc Trung ương quyết định khởi động lại dự án điện hạt nhân, đây cũng là mong muốn của địa phương. Quyết định này chắc chắn sẽ đóng góp vào sự phát triển của Ninh Thuận tốt hơn”, ông Hậu nói.
Hiện đang là trung tâm về dịch vụ - năng lượng tái tạo liên vùng, cùng với điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận sẽ có vị thế mới trong lĩnh vực năng lượng.
Hiện đang là trung tâm về dịch vụ - năng lượng tái tạo liên vùng, cùng với điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận sẽ có vị thế mới trong lĩnh vực năng lượng.

Thêm động lực phát triển

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nhớ lại, cuối 2009, khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng công suất 4.000MW, là dự án trọng điểm quốc gia, tác động lớn, có vai trò động lực quyết định đến phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2020 được xây dựng xoay quanh sự phát triển của dự án điện hạt nhân; có những tác động, lan tỏa đến các lĩnh vực ngành nghề trong kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến 2020.

Việt Nam ước tính cần khoảng 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản và Nga tiếp tục hỗ trợ đào tạo, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ để triển khai dự án này. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về phát triển điện hạt nhân. Hệ thống pháp luật khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... cũng đủ cơ sở để thực hiện. Thời gian tới, dự kiến sửa Luật Năng lượng nguyên tử và Quy hoạch điện VIII, với các nội dung liên quan đến điện hạt nhân.

Giao nhiệm vụ cụ thể tại cuộc họp hôm 15//1/2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan tập trung đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân mà Việt Nam đang có (khoảng 400 người). Cùng với đó, các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực.

Dự kiến hai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Do đó, Thủ tướng giao Ninh Thuận chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, thể thao... để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy, đội ngũ nhân lực tham gia dự án. Ninh Thuận cũng đề xuất, triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án.

Sau khi có chủ trương từ Trung ương, tỉnh nhiều năm tiến hành vận động, thuyết phục người dân tạo sự đồng thuận để triển khai dự án. Dự án được khẳng định sẽ phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội, không chỉ riêng cho tỉnh Ninh Thuận mà còn ở tầm quốc gia, nhất là trong vấn đề năng lượng.

Tuy nhiên, cuối 2016 Quốc hội đã dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc này đã ảnh hưởng các kịch bản tăng trưởng phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở xác định tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, Ninh Thuận đã “xoay” chiến lược, điều chỉnh sang phát triển năng lượng tái tạo để “lấp chỗ trống”.

Thời điểm đó, Ninh Thuận kiến nghị Trung ương có các chính sách hỗ trợ bù đắp cho tỉnh trong chiến lược phát triển. Tháng 8/2028, Chính phủ có Nghị quyết 115/NQ-CP thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Trong đó có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách về an sinh, xã hội. Đến nay kinh tế - xã hội tỉnh đã phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm về dịch vụ - năng lượng tái tạo liên vùng.

“Với việc Trung ương quyết định khởi động lại dự án điện hạt nhân, đây cũng là mong muốn của địa phương. Quyết định này chắc chắn sẽ đóng góp vào sự phát triển của Ninh Thuận tốt hơn”, ông Hậu nói.

Nhiệm vụ hiện tại của địa phương, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cần gia tăng sự đồng thuận của Nhân dân; di chuyển người dân, tái định cư, đầu tư hạ tầng theo chủ trương, bảo đảm tạo được sinh kế bền vững cho bà con trong quá trình thực hiện dự án.

Mong mỏi ổn định

Đường vào thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (nơi quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 2 rộng 380ha), hiện tại hạ tầng giao thông, điện nước đã được nâng cấp, nhiều nhà cửa được xây kiên cố. Ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An thông tin, người dân ở đây có nghề trồng nho, hành tỏi, đi biển. “Hơn chục năm trước, khu vực được quy hoạch làm dự án điện hạt nhân, ai ai cũng đồng thuận chủ trương. Ai cũng kỳ vọng khi dự án hình thành giúp thay đổi diện mạo quê hương, người dân có cơ hội tìm việc làm mới. Tuy nhiên, dự án kéo dài nhiều năm không thấy triển khai, sau đó đến 2016 tạm dừng”, ông Hàn kể lại.

Ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An cho biết, người dân kỳ vọng dự án điện hạt nhân sẽ thay đổi diện mạo quê hương.

Ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An cho biết, người dân kỳ vọng dự án điện hạt nhân sẽ thay đổi diện mạo quê hương.

Sự chậm trễ này khiến đời sống người dân có giai đoạn bị xáo trộn từ khi cả thôn bị “quy hoạch treo”. 830 hộ dân với 2.850 nhân khẩu ở thôn không dám tính tương lai dài hạn. Người dân vẫn được trồng trọt nhưng không dám đầu tư lớn. Bà Nguyễn Thị Mật (60 tuổi) cho biết, trước đây cả thôn bị quy hoạch, nên dù có đất rộng, bà không thể tách thành các thửa để cho con cháu. Bà cũng không được chuyển nhượng, cầm cố đất để vay vốn ngân hàng làm ăn.

Tại một địa điểm khác được quy hoạch điện hạt nhân, là thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, hiện tại cuộc sống của người dân cũng đã ổn định. Ông Đoàn Huỳnh Hồ Hải (50 tuổi) cho biết, năm 2009 khi nơi này được chọn triển khai vùng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1 rộng 440ha, người dân rất ủng hộ, đồng thuận cao. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, người dân cũng đồng lòng. Nay Trung ương quyết định tái khởi động dự án, những ngày qua ông và người dân nơi đây ai cũng đều quan tâm, phấn khởi theo dõi thông tin, mong dự án được triển khai sớm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời để các hộ dân trong diện bị giải tỏa sớm được bố trí tái định cư, cung cấp đất canh tác, thực hiện các chính sách an cư lạc nghiệp; sớm ổn định cuộc sống.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016.

Với bà Mật, càng vui và tin tưởng hơn nữa sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác đến thị sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường vào cuối năm 2024. Tổng Bí thư đã đề nghị Ninh Thuận tập trung bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn hỗ trợ của các Bộ, ngành chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, cần chủ động tập trung triển khai tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, khẩn trương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, bố trí khu tái định canh, định cư, đất sản xuất nhằm ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. “Tôi tin tưởng nhất định cuộc sống của mọi người sẽ tốt hơn khi triển khai dự án điện hạt nhân”, bà Mật nói.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ngày 15/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai, có lộ trình công việc cụ thể hàng năm. Việc này nhằm mục tiêu tới năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân.

"Tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện dần, việc nào dứt điểm việc đó, rõ người, rõ việc", Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệ hạt nhân, gồm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP đạt hai chữ số trong những năm tới.

Thủ tướng cũng cho rằng trong kỷ nguyên mới của dân tộc, Việt Nam phải có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, như công nghệ hạt nhân (điện, y học hạt nhân) vì mục đích hòa bình.

Năm 2024, tổng công suất hệ thống điện khoảng 85.000MW. Đến năm 2030, tổng công suất điện cần đạt khoảng 150.000MW, sau đó tăng lên 400.000 - 500.000MW vào 2050, theo Quy hoạch điện VIII. Do vậy, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.