Sản xuất, kinh doanh ấn tượng
Trong nhiều năm qua, dù lượng dầu khí đang ngày càng suy giảm, nhưng mỗi năm Petrovietnam vẫn đóng góp trên dưới 10% cho ngân sách nhà nước. Những đóng góp này đa phần đến từ sản xuất kinh doanh (SXKD) và thực hiện các dịch vụ liên quan đến dầu khí.
Kết thúc năm 2024, Petrovietnam đã hoàn thành xuất sắc tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ SXKD, tiếp tục thiết lập nên những kỷ lục mới, tạo nền tảng mạnh mẽ để bứt phá tăng trưởng trong giai đoạn mới. Cụ thể, tất cả các chỉ tiêu sản xuất đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm từ 6 - 24%, về đích trước từ khá sớm. Đặc biệt, chỉ tiêu khai thác dầu thô trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2024 trước 2 tháng 3 ngày. So với năm 2023, có 4 chỉ tiêu sản xuất trọng yếu tăng trưởng gồm sản xuất urê tăng 4,6%; sản xuất điện tăng 25,8%; sản xuất xăng dầu (bao gồm NSRP) tăng 6,7% và sản xuất NPK tăng 19,5%. Lần đầu tiên sau 10 năm, Petrovietnam có 3 phát hiện dầu khí mới trong 1 năm.
Bên cạnh đó, Petrovietnam có năm thứ ba liên tiếp phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn Tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước đạt 165 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước Covid-19 trong bối cảnh tác động bởi chính sách giảm thuế với sản phẩm xăng dầu của Petrovietnam.
Theo Petrovietnam, việc thực hiện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ SXKD năm 2024 đã góp phần giúp Petrovietnam hoàn thành sớm kế hoạch SXKD 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 vượt từ 6 - 32%. Trong đó, tổng doanh thu của Petrovietnam sau 4 năm đã đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; tổng nộp ngân sách nhà nước sau 4 năm của Tập đoàn đã đạt trên 599 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng là 21,2%/năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrovietnam đạt trên 238 nghìn tỷ đồng sau 4 năm, mức tăng trưởng trên 44,3%/năm.
Mục tiêu tăng trưởng hai con số
Năm 2025, Petrovietnam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Đây là thách thức lớn đối với đơn vị nhưng lãnh đạo đơn vị quyết tâm thực hiện bằng được và đã ban hành các kế hoạch thực hiện. Cụ thể, năm 2025, Petrovietnam đề ra phương châm hành động “Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững”.
Với 6 quan điểm chỉ đạo: Quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kế hoạch của Đảng, Chính phủ, Nhà nước; Phát huy sức mạnh trong toàn hệ thống Petrovietnam; Đẩy mạnh công tác đầu tư, song song với củng cố hệ thống quản trị danh mục đầu tư; Tập trung xử lý các thủ tục đầu tư/phân cấp đầu tư; Ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong trung và dài hạn; Tinh gọn bộ máy tạo động lực phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.
Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra, Petrovietnam dự thảo Nghị quyết 01/NQ-DKVN với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nhóm một, ưu tiên phát triển bền vững, cơ cấu lại mô hình hoạt động, đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo mục tiêu; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; giữ vững vị thế, chuyển dịch thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia.
Petrovietnam có những bước chuyển dịch tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển. |
Nhóm hai, triển khai Kế hoạch quản trị năm 2025 và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030. Nhóm ba, hoạch định và cân đối nguồn lực trong toàn hệ thống cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Nhóm bốn, hoạt động đầu tư và quản trị danh mục đầu tư: xác định 2025 là năm bứt phá trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư. Nhóm năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhóm sáu, tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy. Nhóm bảy, giải quyết các tồn tại trong hoạt động SXKD và đầu tư, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Theo lãnh đạo Petrovietnam, để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, động lực doanh thu và lợi nhuận cần phân loại theo các khối có thế mạnh tương ứng, phân bổ từng lĩnh vực, xác định đơn vị trọng tâm; xác định các động lực theo mục tiêu của từng lĩnh vực, ngoài việc phát huy tối đa giá trị hiện có, cần đẩy mạnh những động lực mới: xác định LNG là trọng tâm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận; mở rộng hợp tác quốc tế, tạo tăng trưởng cho các khối...
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Dù áp lực rất lớn nhưng đây là yêu cầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Petrovietnam không thể đứng ngoài. Bối cảnh năm 2025 đã thay đổi nhiều so với trước, tăng trưởng các nước lớn chậm lại, trong khi yêu cầu tăng trưởng của đất nước đặt kỳ vọng cao, Petrovietnam là doanh nghiệp lớn nhất trong khối doanh nghiệp nhà nước phải phát huy vai trò tiên phong”.
Định hướng tập đoàn năng lượng quốc gia
Theo Petrovietnam, Bộ Chính trị đã có Kết luận 76, định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có sự phát triển của Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia. Tập đoàn đã tập trung xây dựng chiến lược mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời phát triển điện gió, hydrogen, ammoniac, LNG, chế tạo các thiết bị năng lượng..., tăng cường nguồn lực, thu hút nhân tài, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.
Trong tương lai, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia xác định, công nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời, phát triển mô hình, bao gồm mô hình quản trị, mô hình kinh doanh vượt trội thích ứng với thay đổi, biến động của thị trường và môi trường kinh doanh, từ đó hội nhập vào chuỗi toàn cầu. Đối với lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, trước mắt đến năm 2030, Petrovietnam tập trung gia tăng trữ lượng và gia tăng sản lượng, nỗ lực thay đổi chu kỳ suy giảm sản lượng khai thác; khẩn trương đưa vào các dự án mới, xác định công nghiệp khí là nền tảng, là giải pháp để thực hiện bước chuyển xanh và bù đắp sự thiếu hụt, duy trì sản lượng khai thác dầu khí.
Một trong những đột phá của Petrovietnam để trở thành tập đoàn năng lượng quốc gia là tăng cường đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị của Petrovietnam được giao thực hiện nhiệm vụ đầu tư các dự án ĐGNK.
Petrovietnam đang tăng cường chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm dầu khí. (Ảnh trong bài: Petrovietnam) |
Trao đổi với Báo PLVN, đại diện PTSC cho biết, về năng lực chuỗi cung ứng ĐGNK, PTSC sẽ vừa đóng vai trò là nhà đầu tư, vừa là nhà thầu cung cấp dịch vụ các dự án tiêu biểu. Thời gian vừa qua, PTSC đã hạ thủy và bàn giao 33 chân đế ĐGNK thuộc dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới. Tiếp theo thành công tại dự án ĐGNK CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án ĐGNK (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện nay, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án ĐGNK Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp ĐGNK sang châu Âu - thị trường hàng đầu thế giới về ĐGNK, bên cạnh 5 trạm biến áp khác đã và đang xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông Trần Hồ Bắc - Tổng Giám đốc PTSC, trong phát triển ĐGNK, tất cả các nước trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm, Nhà nước sẽ bao tiêu toàn bộ thời gian dự án, xác định một mức lợi nhuận định biên, quy mô thí điểm để đánh giá tiềm năng, thiết kế phù hợp với vùng biển, đánh giá tác động đến môi trường; Giai đoạn 2 là phát triển có điều kiện, tức là có sự hỗ trợ của Nhà nước, bao tiêu trong thời gian nhất định và có hỗ trợ giá; Giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển, tổ chức đấu thầu giá.
Cũng theo Tổng Giám đốc PTSC, Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc nội địa hóa các thành phần chính của dự án ĐGNK, đặc biệt là chế tạo chân đế, lắp ráp vỏ bọc và cung cấp tháp gió. Các nhà cung ứng trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành Dầu khí cần thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ và có kế hoạch tham gia thị trường ĐGNK. Cùng với đó, ngành ĐGNK có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.