Công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng với đàn hương trắng Ấn Độ: Cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trao đổi với PLVN, ông Đoàn Ngọc Dao (Phòng Phát triển rừng, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc công nhận giống, nguồn giống cây trồng lâm nghiệp nói chung, trong đó bao gồm cả cây trồng lâm nghiệp có nguồn gốc nhập nội được thực hiện theo quy định của Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT.
Vườn giống cây đàn hương của Công ty CP Phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên.
Vườn giống cây đàn hương của Công ty CP Phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên.

Lo lắng cây “vàng ròng” thành cây… “khóc ròng”

Chia sẻ về cây đàn hương trắng Ấn Độ, TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm cho biết, trong thời gian học tiến sĩ tại Ấn Độ, khi đến thăm các vườn đàn hương của các đại gia Ấn Độ, ông đã vô cùng ngạc nhiên khi loài cây này được bảo vệ nghiêm ngặt. Hỏi ra mới biết, đây là loài cây quý, có giá trị kinh tế rất cao, 1kg lõi gỗ đàn hương có giá lên tới vài trăm USD. Tinh dầu đàn hương có giá khoảng 4.500 USD/kg.

TS. Thoại cũng là người đã đưa cây đàn hương xuất xứ Karnataka (Ấn Độ) về Việt Nam trồng khảo nghiệm, thử nghiệm và nhân giống. Trải qua nhiều năm ròng rã, Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm (ISAF, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) do TS. Thoại làm Chủ tịch Hội đồng khoa học đã thành công với phương pháp kích thích hạt cây đàn hương nảy mầm tự nhiên, tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Tòa.

Ông Nguyễn Quang Tòa.

Đến nay, cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm và bước đầu cho kết quả tốt ở nhiều tỉnh, thành phố. Cây đàn hương chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt ở những nơi khô hạn. “Chúng tôi đã trồng tại Tây Nguyên, vào mùa khô để nhiều ngày không tưới một giọt nước nào mà cây vẫn không chết. Cứ ban ngày thì lá héo, đêm đến gần sáng có sương là lá lại tươi”, TS. Thoại chia sẻ.

Đánh giá về triển vọng phát triển cây đàn hương ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn của PLVN, GS.TS Phạm Văn Điển (Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, khi đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng: Đàn hương là loài cây có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế nếu được trồng bằng giống đã được công nhận, trên lập địa phù hợp và với quy mô cũng như phương thức trồng hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, điều mà những người tâm huyết với loài cây quý này trăn trở, lo lắng đó là, thực trạng một số nơi tự ý nhân giống đàn hương tràn lan, mập mờ nguồn gốc cây giống, thị trường giống cây đàn hương cũng “nở rộ”, nhất là trên mạng xã hội nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. TS. Vũ Văn Thoại cho biết, có tới hơn 16 giống cây đàn hương và các giống cây này tương đối giống nhau về hình dáng, rất khó phân biệt.

“Tuy nhiên, chỉ có đàn hương trắng Ấn Độ là loài có giá trị kinh tế cao. Nên khi trồng, người trồng phải chắc chắn rằng mình mua đúng chủng loại cây đàn hương trắng Ấn Độ, tên khoa học là Santalum album L”, TS. Thoại thông tin.

Cần sớm công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng với đàn hương

Ông Đoàn Ngọc Dao.

Ông Đoàn Ngọc Dao.

Về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp nói chung, ông Đoàn Ngọc Dao (Phòng Phát triển rừng, Cục Lâm nghiệp) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) (Thông tư 22).

Theo giải thích của Thông tư 22 thì cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng là một trong những nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Cụ thể: Cây đầu dòng là cây được đánh giá và công nhận từ quần thể của một giống cây trồng lâm nghiệp, để cung cấp vật liệu nhân giống vô tính. Vườn cây đầu dòng là vườn cây được trồng bằng cây giống vô tính nhân từ cây đầu dòng hoặc nhân giống vô tính từ giống gốc, được công nhận để cung cấp vật liệu sản xuất giống vô tính.

Đối với cây đàn hương, theo Cục Lâm nghiệp thì ngày 22/4/2019, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 1305/QĐ-BNN-TCLN công nhận giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó, công nhận 1 giống cây đàn hương xuất xứ Karnataka Ấn Độ do Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm nhập nội và trồng sản xuất thử nghiệm. Cũng theo quyết định này thì Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm được giao trách nhiệm “lưu giữ giống; phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật gây trồng đối với giống được công nhận”.

Ông Đoàn Ngọc Dao cho biết: Việc công nhận, hủy bỏ công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp bao gồm tiêu chí công nhận, trình tự, thủ tục đã được hướng dẫn tại mục 3 của Thông tư 22. Theo đó, thẩm quyền công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp thuộc Chi cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp tại địa phương. Trường hợp địa phương không có Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp thì thẩm quyền công nhận do Sở NN&PTNT quyết định.

“Việc công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đối với đàn hương trắng Ấn Độ cũng thực hiện theo quy định của Thông tư 22”, ông Dao cho biết.

Ông Dao cũng thông tin, hiện nay, ngoài giống đàn hương của Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, cơ quan chức năng chưa công nhận giống đàn hương của đơn vị nào khác. “Về tiêu chí công nhận nguồn giống, do đàn hương chưa có tiêu chuẩn quốc gia về nguồn giống nên sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở do đơn vị xây dựng”, ông Dao cho hay.

Đại diện cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, qua thông tin từ truyền thông thì đàn hương là loại cây có tiềm năng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, cây trồng nói chung và cây đàn hương nói riêng là thực thể sinh học nên tính thích nghi với điều kiện sinh thái là hết sức quan trọng; hơn nữa cây đàn hương là cây lâu năm, vì vậy cần có thời gian trồng thử nghiệm, khảo nghiệm mới đánh giá được tính thích nghi và hiệu quả kinh tế. Đồng thời để bảo đảm chất lượng, tránh việc trồng tràn lan, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả không tốt, việc công nhận nguồn giống đối với cây đàn hương là rất cần thiết.

Mong sớm được công nhận nguồn giống

Là người đem cây đàn hương về trồng trên vùng đất Tây Nguyên từ năm 2016, đặc biệt, vườn cây đàn hương trồng khảo nghiệm còn cho ra kết quả ngoài mong đợi khi chưa tới 4 năm đã bắt đầu hình thành lõi gỗ, ông Nguyễn Quang Tòa (Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm Tây Nguyên, tiền thân là Phân viện đàn hương Tây Nguyên) cũng rất trăn trở với việc công nhận nguồn giống cây đàn hương để giúp người trồng có được nguồn giống bảo đảm.

“Theo quy định của Thông tư 22 thì cây trội cũng là một trong những nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Tôi đã làm hồ sơ, thủ tục để công nhận vườn cây trội (cây bố mẹ) cho đàn hương từ năm 2020 nhưng tới giờ vẫn chưa được công nhận. Tôi rất mong cơ quan chuyên môn sớm có quyết định công nhận chính thức để góp phần bảo đảm nguồn giống tốt nhất cho người trồng”, ông Tòa chia sẻ.

Đọc thêm