Khi hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 3/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số và áp dụng công nghệ vào phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã đã nhanh chóng được các đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện và mang lại kết quả cụ thể.
Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bước đệm trong phát triển của hợp tác xã

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã (HTX); trong đó có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, còn lại là kinh doanh, dịch vụ. Trong số này có khoảng 10% (khoảng 2.000) HTX ứng dụng công nghệ cao, khoảng 2.200 HTX đã tiến tới thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết đầu tư vốn với doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, trong 2 năm qua, số lượng và quy mô HTX nông nghiệp liên tục tăng, từ quy mô 170 thành viên mỗi HTX, hiện tăng lên hơn 200 thành viên. Tổng số thành viên của các HTX nông nghiệp hiện là 3,85 triệu thành viên. Mặc dù vẫn còn HTX nông nghiệp yếu, song đa số ngày càng thể hiện đúng bản chất khi tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sẵn sàng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đưa năng lực của HTX đi lên.

Đặc biệt kể từ ngày 1/7/2023, Luật HTX 2023 bắt đầu có hiệu lực. Điểm mới được nhấn mạnh trong luật là nhấn mạnh và chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phát triển HTX.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã phát triển mô hình HTX thanh niên, HTX phụ nữ nên khi Luật HTX năm 2023 mở rộng chính sách hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực cho kinh tế tập thể sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực HTX, hướng đến năm 2045, Việt Nam sẽ có ít nhất một HTX nằm trong số 300 HTX tiêu biểu trên thế giới.

Thành tựu nổi bật tại một số địa phương

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp chia sẻ, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 195 HTX nông nghiệp. Để các HTX trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận với Luật HTX 2023 nhanh nhất, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với nhiều đơn vị trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ cao liên kết, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực vận dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và chuyển đổi số.

Ví dụ, Công ty TNHH Thiết bị Khoa học Kỹ thuật Trung Hải đã đưa các giải pháp công nghệ và liên kết chuyển giao công nghệ sơ chế, bảo quản trái bắp non và khô các loại; giải pháp kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm vi sinh, dư lượng chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; giải pháp kiểm bệnh, sức khỏe cây trồng và môi trường nông nghiệp... đến với nông dân Đồng Tháp, hướng dẫn các HTX vận dụng, sử dụng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Theo thống kê của Liên minh HTX Sóc Trăng, toàn tỉnh có 206 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Nổi bật trong việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất phải kể đến HTX Nông nghiệp Tín Phát, Hưng Lợi, Vinh Lợi, Thọ Hòa Đông A; Phước An... Theo đó, các HTX này đã thực hiện liên kết hộ dân tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Ông Phạm Văn Mừng - Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết, Toàn Thắng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm đạt chứng chỉ ASC của châu Âu và Mỹ, đồng thời liên kết với Công ty chế biến thủy sản Út Xi để sản xuất con tôm đạt chất lượng xuất khẩu và bảo đảm khâu tiêu thụ ổn định, với giá cao hơn thị trường, bảo đảm lợi nhuận cho các thành viên trong HTX. Để làm được điều này, HTX còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, giám sát ao nuôi, phát huy hiệu quả trong việc tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, qua đó sản lượng tôm của HTX tăng mạnh qua các năm, đạt từ 500 - 700 tấn, tính từ năm 2022 đến nay. Sau 9 năm thành lập và hoạt động hiệu quả, hiện HTX Thủy sản Toàn Thắng đã thu hút hơn 70 thành viên, với diện tích sản xuất là 165ha.

Có thể kỳ vọng, việc phát triển các mô hình liên kết HTX về chuyển đổi số sẽ là động lực để nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.

Đọc thêm