Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển rõ rệt
Báo cáo trước Quốc hội (QH) đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào DTTS và người DTTS cùng với sự vào cuộc các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN, trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực và một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Mục tiêu hướng đến là tích hợp các chính sách thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm đủ nguồn lực, tập trung đầu tư cho sản xuất trọng điểm cho các vùng khó khăn, nhất là cho các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào DTTS…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đời sống của đồng bào DTTS, vùng DTTS còn nhiều khó khăn, bất cập, như hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách, mặc dù đã được ban hành, nhưng các văn bản hướng dẫn triển khai chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách, đời sống của vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn.
Phối hợp xây dựng Luật Dân tộc
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, từ đó góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong cộng đồng dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, nêu tình trạng có phát sinh những bất cập, tồn tại và bất cập trong quá trình triển khai và thực hiện chính sách, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về ý kiến cần sớm nghiên cứu ban hành luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS&MN làm định hướng hoàn thiện về cơ chế, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, thực hiện chiến lược công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII về nội dung này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi đó, lĩnh vực công tác dân tộc và chính sách dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nên để đảm bảo xây dựng một luật phù hợp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo với các luật khác thì cần thời gian nghiên cứu.
"Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã có nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị tốt cho phiên trả lời chất vấn trước QH chiều 6/6, nên câu trả lời của Bộ trưởng tương đối cụ thể. Chủ nhiệm, Bộ trưởng đã trả lời cho tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trong cả nước về giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Tôi hy vọng trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện tốt nhất 3 Chương trình mục tiêu quốc gia", đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (đoàn Đắk Lắk).
“Quan điểm của tôi là nếu có được luật thì tốt, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, là cơ sở để xây dựng các chính sách. Tuy nhiên, công tác dân tộc liên quan đến các ngành, lĩnh vực của hệ thống chính trị, không phải là pháp luật chuyên ngành nên cần nghiên cứu căn cơ”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ.
Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Đảng đoàn QH đã giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng Luật Dân tộc trong nhiệm kỳ khóa này, do Hội đồng Dân tộc của QH chủ trì.
Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển hồ sơ nghiên cứu trước đây của Ủy ban để phối hợp với Hội đồng Dân tộc thực hiện.
Đồng tình với nhận định của đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh), cho rằng chính sách dân tộc hiện nay còn tản mát ở nhiều văn bản chồng chéo, nhiều tầng lớp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.
Ủy ban đang thực hiện Đề án rà soát các chính sách dân tộc liên quan để trình Chính phủ vào cuối năm nay.