Công tác hộ tịch cần được đầu tư xứng tầm

Cuối tuần qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 22 tỉnh, thành phố, đại diện các Sở Tư pháp… đã tham dự hội nghị.

Cuối tuần qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 22 tỉnh, thành phố, đại diện các Sở Tư pháp… đã tham dự hội nghị.

Công tác hộ tịch đạt nhiều thành tựu quan trọng

Nhận định về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh “ngày càng đi vào nền nếp, đặc biệt trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây (kể từ khi Nghị định 83/1998/NĐ-CP có hiệu lực thi hành). Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành từ trung ương đến cơ sở, công tác hộ tịch đã có những bước tiến cơ bản và đạt những thành tựu quan trọng.

Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch được củng cố, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch được tăng cường; hệ thống sổ sách, dữ liệu hộ tịch được lưu trữ và sử dụng lâu dài; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch; khẳng định vai trò trong quản lý nhà nước và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân.

Tỷ lệ đăng ký hộ tịch đã tăng lên khá cao, đặc biệt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, xa, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch đạt những thành tựu bước đầu. Công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nhà nước cũng như đăng ký các việc hộ tịch phát sinh giữ công dân Việt Nam với người nước ngoài..

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ hạn chế: hiện có quá nhiều văn bản cùng điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch, tạo nên độ phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan hộ tịch khi áp dụng, người dân cũng khó phân biệt việc hộ tịch của mình sẽ được áp dụng theo văn bản nào. Còn tình trạng đăng ký không kịp thời, chưa đầy đủ và thiếu chính xác; dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán; đăng ký quá hạn, đăng ký lại còn chiếm tỷ lệ tương đối cao…

Nhiều giải pháp cũng được Bộ Tư pháp đưa ra, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế (xây dựng một đạo luật về hộ tịch) làm cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất về đăng ký và quản lý hộ tịch trong toàn quốc.

Quan trọng là chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức

Nhất trí cơ bản với báo cáo đánh giá sau 25 năm thực hiện công tác đăng ký quản lý hộ tịch, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng chỉ rõ: Những bất cập, hạn chế, yếu kém  đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, chưa đóng góp được nhiều cho công tác dự báo để xây dựng và hoạch định chính sách về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Việc một số nước chưa đồng ý ký hiệp định tương trợ tư pháp với ta do chưa tin cậy vào giấy tờ hộ tịch của Việt Nam đang là một yếu tố “làm xấu đi bộ mặt của đất nước”.

Trong những nguyên nhân của hạn chế bất cập, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý do công tác này chưa được nhận thức, quan tâm và đầu tư đúng tầm, nhất là trước những yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn: Bộ Tư pháp xin nhận trách nhiệm chưa làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, nhất là việc chậm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này.

Về phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ban, ngành, các cơ quan hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch trong việc bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong quản lý dân cư, quản lý xã hội cũng như trong  phát triển kinh tế - xã hội giữ gìn quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong khi chờ Quốc hội xem xét thông qua Luật Hộ tịch, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hộ tịch. Công tác hộ tịch phải xác định  là trách nhiệm của các cấp, ngành địa phương, không nên khoán trắng cho ngành Tư pháp.  

Bộ trưởng cũng nhắc nhở các Sở Tư pháp cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời củng cố, kiện toàn các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến xã, nhất là cán bộ làm công tác hộ tịch cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đăng ký hộ tịch ở cấp huyện cấp xã, việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài để kịp thời uốn nắn các sai sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập trong hoạt động hộ tịch và có giải pháp để khắc phục.

Một vấn đề quan trọng khác, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường là tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua Luật Hộ tịch theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Việc ban hành luật sẽ khắc phục hạn chế trong công tác hộ tịch hiện nay. Bộ trưởng cho rằng đây là cơ hội ngành Tư pháp tiếp tục khẳng định vị trí của mình. Do đó, cần phải tham mưu để trình Chính phủ một Dự án luật thực sự chất lượng. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 

“Đăng ký hộ tịch không phải chờ dân đến, gọi dân lên mà chủ động đến với dân”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác hộ tịch toàn quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Tư pháp, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã trong thời gian qua. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, yếu kém trong công tác hộ tịch.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong công tác hộ tịch, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hộ tịch đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, trong đó tập trung xây dựng dự án Luật Hộ tịch; bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó chú trọng đến những chính sách mang tính đột phá nhằm tạo chuyển biến cơ bản, từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác này.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và ý nghĩa chính trị, pháp lý của công tác hộ tịch đối với sự phát triển của đất nước. Phải xác định rõ công tác hộ tịch tuy là việc thuộc công tác tư pháp nhưng là nhiệm vụ chung của nhiều Bộ, ngành và của tất cả các địa phương, là công cụ để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, là một trong các yếu tố hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước phải chung tay cùng ngành Tư pháp quan tâm, chỉ đạo để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác hộ tịch.

Phó Thủ tướng lưu ý, phải nhận thức rằng quản lý hộ tịch liên quan đến mỗi công dân trong mối liên hệ với các lĩnh vực khác, để từ đó tập trung đầu tư, xây dựng một thiết chế làm cơ sở cho việc quản lý một cách chặt chẽ, chính xác những biến động về nhân thân của công dân từ khi sinh ra cho đến khi chết, cần nghiên cứu việc cấp và sử dụng mã số cá nhân cho công dân...

Phó Thủ tướng lưu ý ngành Tư pháp, đăng ký hộ tịch không phải chờ dân đến, gọi dân lên mà chủ động đến với dân, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để làm tốt công tác này. 

T.Hằng

Đọc thêm