Đối với công tác quản lý đất đai, Thanh tra chỉ ra hàng loạt thiếu sót của UBND quận Thủ Đức như: Lập và trình kế hoạch sử dụng đất hàng năm chậm tiến độ; xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm với chỉ tiêu đất ở không phù hợp và tăng cao so với quy hoạch;
Không đảm bảo tiến độ thống kê, kiểm kê đất đai hàng năm; thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất dự án trên địa bàn.
Về công tác chuyển mục đích sử dụng đất, qua thanh tra cho thấy có trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không đăng ký nhu cầu xin chuyển mục đích đất; ghi nợ tiền sử dụng đất không đúng quy định với 28 giấy chứng nhận; xác định vị trí đất của 21 trường hợp không đồng bộ, dẫn đến thu tiền sử dụng đất ít hơn quy định.
Đối với tách thửa đất, vẫn còn trường hợp tách thửa không có quyết định thu hồi đất để làm đường giao thông, thu hồi diện tích đất làm đường ít hơn so với cam kết hiến đất của người dân.
Về việc giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn Thủ Đức, theo Thanh tra TP, trong giai đoạn thanh tra có 25 trường hợp không phù hợp quy hoạch đô thị; 16 trường hợp không xin ý kiến thoả thuận quy hoạch kiến trúc đô thị của cơ quan quản lý trước khi cho phép tách thửa.
Là địa phương có số lượng lớn người nhập cư, những năm qua, quận Thủ Đức chịu áp lực về gia tăng dân số cơ học và nhu cầu nhà ở. Từ đó dẫn đến tình trạng người có diện tích đất lớn cố tình vi phạm trật tự xây dựng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Tuy vậy, Thanh tra TP nhận định, về phía cơ quan quản lý và công chức phụ trách tại quận Thủ Đức cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm, dẫn đến công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn còn nhiều thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể, không lập biên bản vi phạm hành chính xây dựng không phép; chậm trễ công bố và giao quyết định xử phạt hành chính, quyết định cưỡng chế; hình ảnh chứng minh việc tháo dỡ hoặc cưỡng chế không lưu đầy đủ trong hồ sơ; chưa thực hiện quyết định cưỡng chế đã ban hành...
Từ năm 2016 – 2017, số vụ xây dựng không phép tại quận Thủ Đức có giảm. Tuy nhiên, số vụ xây dựng không phép năm 2018 bắt đầu tăng, đến năm 2019 lại tăng cao (chiếm hơn 50% tổng số vụ việc của 3 năm).
Từ tháng 8-12/2019, trên địa bàn Thủ Đức phát sinh 104 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, có giảm so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Thanh tra TP đánh giá, UBND quận Thủ Đức chưa khẩn trương, triệt để xử lý vi phạm xây dựng sau khi có chỉ thị và kế hoạch nói trên. Đến nay vẫn còn một số vụ việc vi phạm bị xử lý nhưng chưa thực hiện xong.
Với những sai phạm nói trên, Chủ tịch UBND TP chấp thuận giao Chủ tịch UBND quận Thủ Đức chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, không để phát sinh sai phạm khó khắc phục. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ vi phạm của các cá nhân, tập thể liên quan công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Giao Sở Nội vụ kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, với vai trò tổ trưởng tổ công tác đã cho tách thửa đất không đúng quy định về chỉ tiêu quy hoạch đô thị kiến trúc và là người đứng đầu để xảy ra tình trạng xây dựng không phép gia tăng trong năm 2018 và 2019.
Trong giai đoạn thanh tra, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh là người giữ chức Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức.
Ngày 7/8/2020, Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ công bố kết quả xem xét, thi hành kỷ luật về mặt Đảng đối với một số lãnh đạo quận, huyện. Trong đó, ông Minh phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách.
Sau khi bị kỷ luật ít ngày, ông Minh được bổ nhiệm về làm Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TP HCM.
Liên quan lĩnh vực xây dựng trái phép, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời cử tri. Trước đó cử tri phản ánh, tại nhiều địa phương đang diễn ra việc xây dựng trái phép, việc phân lô bán nền tràn lan ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và phá vỡ quy hoạch phát triển của từng địa phương.
Bên cạnh đó, công tác quản lý xây dựng tại nhiều địa phương bộc lộ điểm yếu, bất cập dẫn đến nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép gần hoàn thiện mới được phát hiện, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
Từ thực tế trên, cử tri đề nghị có biện pháp mạnh kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “việc đã rồi”.
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng thừa nhận, tại một số địa phương tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm, còn xảy ra tình trạng như cử tri đã phản ánh.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tiễn… Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm với các tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển CQĐT xử lý theo quy định.
"Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm", Bộ Xây dựng nêu.