Công tác thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả quan trọng

(PLO) - Ngày 21/9, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo công tác thi hành án dân sự tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh). Theo đó, công tác thi hành án trong 10 tháng năm 2016 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo, 10 tháng năm 2016, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 với những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 5,4% về việc và 12,77% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (trên 130.000 tỷ đồng), song hệ thống THADS đã thi hành xong số việc, tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 25.237 việc và tăng trên 5.047 tỷ đồng).

Công tác xác minh, phân loại án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ khá cao (83,72% về việc và 78,63% về tiền). Công tác đôn đốc thi hành án hành chính thực hiện nghiêm túc.

Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn, án kinh tế, tham nhũng, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã được tập trung chỉ đạo giải quyết. Công tác triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS tiếp tục được quan tâm thực hiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính không ngừng được tăng cường. Kết quả đạt được cho thấy công tác THADS tiếp tục có những tiến bộ rõ rệt, với xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. 

Việc triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại đã được Chính phủ, UBND các địa phương quan tâm và triển khai thực hiện. Kết quả đạt được bước đầu đã góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo tiền đề để tiếp tục giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, cơ quan THADS, tạo thêm công cụ pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia các giao dịch và giải quyết các tranh chấp. Tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/07/2016, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được hơn 170.316 văn bản của Tòa án và cơ quan THADS, lập gần 18.196 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án gần 30 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án hơn 54 vụ việc, đạt tổng doanh thu là trên 33 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, công tác THADS cũng còn những tồn tại, hạn chế như: còn một lượng lớn việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS còn chậm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, Chính phủ đề nghị Quốc hội quan tâm, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác thi hành án, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong thực tiễn. Đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm đến việc bố trí ngân sách để Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ; Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát theo thẩm quyền. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chuyên đề về công tác THADS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ án lớn, phức tạp kéo dài.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản. Đề nghị TANDTC, TAND các cấp trong quá trình xét xử quan tâm hơn đến tính khả thi của bản án, quyết định, nhất là trong các vụ án tham nhũng, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thực thi trên thực tế.

Riêng với hoạt động của Thừa phát lại, Chính phủ đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, cấp ủy địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13; tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp, hỗ trợ hoạt động Thừa phát lại, đồng thời nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc đăng ký thực hiện hoặc mở rộng thực hiện chế định Thừa phát lại tại địa phương, bảo đảm sự phát triển bền vững của chế định này.

Đọc thêm