Hôm nay (23/12), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí…
Không né tránh vấn đề khó trong đời sống chính trị, xã hội
Báo cáo tại Hội nghị, Ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, sau một năm nhìn lại, toàn ngành đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành một khối lượng lớn công việc.
Toàn ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy giao đột xuất, trong đó có một số nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, chưa có trong tiền lệ; qua đó góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị, tư tưởng để đất nước hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2019; nâng cao vị thế, uy tín của ngành Tuyên giáo, tạo tiền đề quan trọng để toàn Ngành bước vào năm 2020 với khí thế mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
So với năm 2018, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực của ngành Tuyên giáo đều tăng 1,2-1,5 lần. Toàn ngành Tuyên giáo đã tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận chính trị; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch.
Năm 2019, điểm nổi bật rõ nét của công tác tuyên giáo là tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát thực tế, không né tránh những vấn đề mới, khó trong đời sống chính trị, xã hội.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện 14 đề án liên quan đến các vấn đề quan trọng trên lĩnh vực tuyên giáo và phục vụ việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng. Đây là năm có số lượng đề án nhiều nhất trong 4 năm qua của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Các đề án được tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, bảo đảm tiến độ và chất lượng tiếp tục được nâng lên; các nội dung đề xuất, kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp mà các đề án đề ra có tính thiết thực, khả thi, có tác dụng tháo gỡ khó khăn, định hướng cho công tác tuyên giáo trong tình hình mới.
Nét mới của công tác tuyên truyền năm 2019 là chú trọng hơn tới công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Tuyên truyền sâu rộng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và học tập chuyên đề năm 2019; khích lệ, cổ vũ, tôn vinh những tấm gương vượt khó, thi đua yêu nước, tinh thần khởi nghiệp.
Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác học tập nghị quyết
Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế của công tác tuyên giáo trong năm 2019.
Đó là, tính dự báo, phát hiện các vấn đề phức tạp, các xu hướng vận động trong diễn biến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa thực sự chủ động, tính nhạy bén chưa cao. Sự phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội trong các giai tầng xã hội chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới ở những vụ việc, sự kiện cụ thể.
Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác, gương mẫu trong học tập nghị quyết; việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời, chưa quyết liệt...
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, vẫn còn có một số bài báo, ấn phẩm tính chính trị, tính tư tưởng không cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội; biểu hiện “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí chưa được chấn chỉnh hiệu quả.
Công tác định hướng hoạt động văn hóa, văn nghệ, khoa giáo có mặt chưa kịp thời, vẫn phát sinh nhiều vụ việc, vấn đề “nóng” trong văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường.
Sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân có nơi còn thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả.
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị đã nghe các tham luận, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong công tác tuyên giáo; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, bộ, ngành để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong tình hình mới.
Tham luận tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, xác định đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” là cuộc đấu tranh lâu dài, Hà Nội đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện với phương châm mềm mỏng, linh hoạt nhưng kiên quyết. Ban Chỉ đạo 35 thành phố đã thống nhất chủ trương vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là chính trong giải quyết các vấn đề tư tưởng, các vấn đề nóng xảy ra trên địa bàn.
Trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện hiệu quả biện pháp đối thoại trực tiếp với những cá nhân, tổ chức có quan điểm lệch lạc, sai trái.
Song song với đó, công tác đấu tranh trên mạng internet tiếp tục được đẩy mạnh với hệ thống các thông tin tập trung vạch trần bản chất và hoạt động của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước và các tổ chức, phần tử phản động nước ngoài; phê phán các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài thiếu thiện chí, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam...
Chiều nay, hội nghị tiếp tục với các nội dung tham luận. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phát biểu kết luận hội nghị.