Tăng cường vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp
Theo thống kê của các cơ quan pháp luật gần đây cho thấy rằng tình hình vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng. Các loại vi phạm pháp luật không chỉ tăng về số lượng mà chủ thể, tính chất nguy hiểm của vụ việc cũng tăng lên và xu hướng trẻ hóa ngày càng rõ rệt.
Kết quả về điều tra, truy tố người dưới 18 tuổi vi phạm hình sự và thi hành án hình sự đối với người dưới 18 tuổi giai đoạn từ 01/01/2016 đến 31/3/2021 cho thấy, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 16.467 bị can; truy tố 14.536 bị can; xét xử 9.511 bị cáo; đình chỉ 77 bị can; Quyết định thi hành án hình sự 7.995 bị án, trong đó: Quyết định thi hành hình phạt tù có thời hạn 4.016 trường hợp; Quyết định thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo 1.842 trường hợp; Quyết định thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ 484 trường hợp…
Vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên diễn ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, văn hóa… với các tội danh như: cướp tài sản; cố ý gây thương tích, giết người, cưỡng đoạt tài sản… Những thông tin này được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam” diễn ra cuối tháng 3/2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Theo bà Nguyễn Phương Anh - Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Lao động xã hội, trong lĩnh vực tư pháp, nhân viên công tác xã hội (CTXH) có thể thực hiện vai trò thông qua những hoạt động như: hỗ trợ nạn nhân và nhân chứng tham gia vào hệ thống tư pháp; hỗ trợ nạn nhân là trẻ em và gia đình trong quá trình tham gia tố tụng; thực hiện báo cáo xã hội cho tòa án; hỗ trợ tâm lý - xã hội và phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật…
Đối với thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, CTXH trong lĩnh vực tư pháp giúp cho thanh, thiếu niên không có cảm giác bị cô đơn, bỏ rơi, người thừa trong xã hội và quan trọng hơn là giúp cho họ bình tâm hơn trong việc nhận thức được các lỗi lầm dẫn đến hành vi của mình, nhận thức rõ mục đích của các biện pháp xử lý mà mình sẽ phải nhận, phải chấp hành trong tương lai không chỉ là trừng trị hành vi sai trái của mình và răn đe đối với những trường hợp khác, mà hơn cả là còn mong muốn cải biến mình trở thành người có ích cho xã hội sau này là rất quan trọng.
Tuy nhiên, CTXH trong lĩnh vực tư pháp còn mang tính tự phát, tự nguyện và chưa được thừa nhận như một hoạt động chuyên nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, một số nhiệm vụ của nhân viên CTXH lại đang được thực hiện bởi lực lượng Công an nhân dân và công chức của UBND cấp xã. Những nhân viên, công chức này kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau và nhiệm vụ cũng nhiều, bên cạnh đó họ chưa được đào tạo bài bản và chính quy về kỹ năng chuyên môn để giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Để thay đổi tình trạng này, Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động khác nhau, trong đó chủ đạo tập trung vào các nhiệm vụ nhằm để tăng cường vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp từ việc học hỏi các nhiệm vụ và vai trò của nhân viên CTXH trong lĩnh vực tư pháp tại một số quốc gia, theo bà Nguyễn Phương Anh.
Tháng 12/2022, tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật CTXH trong lĩnh vực tư pháp”, bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc cũng nêu quan điểm, Việt Nam cần có các giải pháp và kế hoạch để tăng cường vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là tư pháp với người chưa thành niên, trong Kế hoạch thực hiện Đề án quốc gia về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, cũng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về tăng cường hệ thống tư pháp với người chưa thành niên.
“Trên thế giới, nhân viên CTXH và cộng tác viên xã hội là những lực lượng quan trọng trong hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên. Sự tham gia của nhân viên CTXH là đặc biệt quan trọng để xử lý hiệu quả người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Nhiều hoàn cảnh dẫn tới trẻ em phạm tội mang tính chất xã hội và có liên quan tới những vấn đề phúc lợi xã hội. Việc tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và cải thiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đang gặp rủi ro, trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật là cần thiết”, bà Loan nhấn mạnh.
Cần có một văn bản quy định chuyên biệt về CTXH
Ở Việt Nam hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến CTXH nằm rải rác ở các văn bản như: Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Thông tư 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 08/11/2010 của Bộ LĐ-TB&XH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; Thông tư 07/2013/TT-BLĐTBXH ngày 24/5/2013 quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên CTXH; Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 10/6/2013 Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH công lập...
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, bắt đầu quá trình hình thành CTXH chuyên nghiệp trong phạm vi hệ thống phúc lợi xã hội của Chính phủ. Dựa trên Quyết định này, Bộ LĐ-TBXH đã xây dựng Đề án Quốc gia về phát triển nghề CTXH, trong đó xác định những mục tiêu từ năm 2010 đến năm 2020, bao gồm cả mục tiêu xây dựng một hệ thống cung cấp những dịch vụ CTXH ở cấp tỉnh, huyện và xã. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 về chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, một số vấn đề liên quan đến CTXH đã bước đầu được đề cập trong một số luật như: Luật Nuôi con nuôi 2010, Luật Trẻ em 2016, Luật Thi hành án hình sự 2019, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022…
“Từ thực trạng này, Việt Nam cần có một văn bản quy định chuyên biệt về CTXH. Trên cơ sở luật, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đưa ra các quy định chi tiết về các vấn đề như: cấp chứng chỉ nghề CTXH; tổ chức, hoạt động của các trung tâm cung ứng dịch vụ xã hội; vị trí việc làm, ngạch, bậc lương của nhân viên CTXH; CTXH trong các lĩnh vực tư pháp, trẻ em, y tế…” là ý kiến của hai tác giả Đỗ Thị Thu Hằng (Viện Nghiên cứu Thanh niên) và Nguyễn Tuấn Dũng (Vụ Văn hóa, giáo dục – Văn phòng Quốc hội) trong tham luận tại Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam” tháng 3/2023.
Cũng tại Hội thảo, ThS Cao Đăng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nêu quan điểm, CTXH trong lĩnh vực tư pháp có thể hiểu là những hoạt động chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội trong các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp như: bổ trợ tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội. Qua các nghiên cứu đã chứng minh một cách rõ ràng rằng, các dịch vụ CTXH hiệu quả có liên quan đến tỷ lệ tái phạm thấp hơn.
Tuy nhiên, dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp hiện nay mới tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị kết án, chấp hành án mà chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại, nạn nhân của các vụ vi phạm pháp luật, vụ án như nạn nhân bị mua bán người, nạn nhân bị xâm hại tình dục…, đặc biệt nạn nhân là người dưới 18 tuổi.
Theo ThS Cao Đăng Vinh, trong lĩnh vực tư pháp hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp, cụ thể về nghề CTXH hay người làm CTXH. “Với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng về CTXH, trong đó có các quy định về CTXH trong lĩnh vực tư pháp, có thể tập trung vào một số vấn đề như: các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp; vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên CTXH trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; cơ chế tuyển dụng người làm CTXH trong lĩnh vực tư pháp; yêu cầu năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm CTXH trong lĩnh vực tư pháp…” - ThS Cao Đăng Vinh nhấn mạnh.
Ở các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và các nước thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, bộ phận CTXH nằm trong tòa án người chưa thành niên và thuộc thẩm quyền quản lý của thẩm phán chuyên trách về người chưa thành niên. Trong mô hình này, có mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân viên CTXH và tòa án. Nhân viên CTXH đóng vai trò tích cực trong tố tụng tại tòa án bằng cách tư vấn cho thẩm phán áp dụng hình phạt hoặc biện pháp phù hợp nhất.
Ở các nước như Đức, Nga, Mỹ, Anh và hầu hết các nước thuộc địa cũ của Anh, nhân viên CTXH tham gia hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên không trực thuộc tòa án mà thuộc một cơ quan hoặc tổ chức khác, phổ biến nhất là Bộ Tư pháp và Bộ chịu trách nhiệm về các vấn đề xã hội. Bộ phận này hoạt động độc lập với tòa án song tư vấn và hỗ trợ trong suốt quá trình tố tụng…
Nguồn: UNICEF