Công tội phân minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 25/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, một vấn đề nhức nhối đã được chỉ ra là nạn vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công vẫn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.
Một số nhân vật "nhúng chàm" trong vụ Việt Á.
Một số nhân vật "nhúng chàm" trong vụ Việt Á.

Đại diện cơ quan thẩm tra, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận xét, tình trạng ách tắc trong mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định hiện hành, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí ngân sách. Dẫn chứng nổi bật là vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cty Việt Á và một số cơ quan, địa phương đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Quốc hội không chỉ đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật, liên quan đến quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vaccine, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm... để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Quốc hội còn đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh xử lý sau thanh tra, nghiêm túc xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, đơn vị và cá nhân có hành vi vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thì đề nghị thanh tra, kiểm toán về chi phí phòng chống dịch để tránh thất thoát, chống lãng phí và đặc biệt là tránh để mất cán bộ.

Tạo phiên họp, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ đã giao cơ quan này thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit test xét nghiệm, vaccine, thuốc, phòng chống dịch COVID-19 tại một số bộ, ngành địa phương. Việc này đã được tiến hành tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP HCM... Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Chính phủ vào tháng 5. Bước đầu đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch.

Một động thái trùng hợp, là ngay chiều cùng ngày, vụ án vi phạm xảy ra ở Cty Việt Á và một số cơ quan, tổ chức có động thái mới. Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu cùng 4 cán bộ dưới quyền bị khởi tố, tạm giam. Những người này bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Một Phó Khoa xét nghiệm CDC Nam Định cũng bị điều tra tội Tham ô tài sản.

Điều tra ban đầu xác định, trong năm 2020, 2021, CDC Nam Định ký 5 hợp đồng mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á và được trích phần trăm ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test 3,15 tỷ đồng. Một số nhân viên CDC Nam Định bị nghi chiếm đoạt số kit test của Nhà nước và bán cho Cty Việt Á để trục lợi 800 triệu đồng.

Dù rất đau lòng khi một số cán bộ, nhân viên y tế, những người đã từng có công rất lớn trong chiến thắng COVID-19, phải rơi vào vòng lao lý như trên. Nhưng công tội phân minh, phải chấp nhận vượt qua nỗi đau, xử lý nghiêm những đối tượng trục lợi trên dịch bệnh, trục lợi trên nỗi đau khổ của nhân dân… Cùng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ như đã thể hiện trong phiên họp ngày 25/4, những “khoảng tối” trong vụ án Việt Á chắc chắn sẽ bị đưa hết ra ánh sáng.

Đọc thêm