Công ty Cổ phần sữa Hà Lan: Hơn 2.000 hộp sữa vi phạm tiêu chuẩn đã bán ra thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng số lượng thành phẩm của 65/67 lô hàng hóa được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk của Công ty CP sữa Hà Lan chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố, trong đó đã có 2.011 hộp đã bán ra thị trường...
Hình ảnh CA cung cấp
Hình ảnh CA cung cấp

Ngày 19/12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty Cổ phần sữa Hà Lan.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, dịch vụ du lịch, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện dấu hiệu vi phạm vệ sinh ATTP xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan ở 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)

Trong các ngày 24 và 25/8, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về ATTP tại 4 địa điểm tại các địa điểm, trụ sở, chi nhánh, kho hàng trực thuộc đối với Công ty CP sữa Hà Lan, địa chỉ trụ sở tại 335 Trần Cung do ông Nguyễn Trung Vương (SN 1983, trú tại 335 Trần Cung) là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật.

Theo cơ quan chức năng, sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk địa chỉ tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh (Hải Dương), Công ty CP sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.

Ông Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm, từ mua nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất, nhận đơn đặt hàng đến lựa chọn sản phẩm và số lượng, đơn giá, thời gian giao hàng.

Sau đó ông Vương ban hành lệnh sản xuất, cân nguyên liệu, phụ gia theo công thức có sẵn trong Lệnh sản xuất, rồi phối trộn, đưa vào máy đóng hộp, đóng nắp, dán nhãn, in hạn sử dụng cho đến khâu kiểm tra, đóng thùng carton, đưa về kho thành phẩm rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa Tổng giám đốc và các nhân viên.

Theo cơ quan công an, khi đối chiếu giữa kết quả giám định, kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia thực hiện với hồ sơ công bố đã được xác nhận và kết quả kiểm tra thực tế, xác định: Tổng số lượng thành phẩm của 65/67 lô hàng hóa nói trên chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố; tổng giá trị số hàng theo hóa đơn xuất bán là 4,1 tỷ đồng, tương đương mức giá bán bình quân khoảng trên 150 ngàn đồng/ hộp.

Do đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý, 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được. Số hàng này được bán qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các kênh bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, qua các trang mạng xã hội...

Ngoài việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã ra quyết định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 8 Công ty liên quan với số tiền phạt 985 triệu đồng.

Hiện vụ việc đang được điều tra mở rộng.

Đọc thêm