Bạn Nguyễn Đức Tiến (email: tienlocphat... @gmail.com) hỏi: Công ty tôi chuẩn bị đóng cửa do khu đất của công ty nằm trong khu quy hoạch. Công ty đã bán đất cho chủ đầu tư và thông báo cho gần 200 lao động nghỉ việc, chỉ trả 1 tháng lương trợ cấp thôi việc/1 lao động (không kể thời gian làm việc dài hay ngắn).
Tôi đã làm việc được 14 năm, HĐLĐ không xác định thời hạn. Mức lương nêu trong hợp đồng lao động là 16.900.000 đồng nhưng mức đóng BHXH là 7.140.000 đồng. Công ty khi đóng BHXH chỉ đóng bằng 1/3 mức lương thực tế tôi lãnh. Vậy tôi có quyền khiếu nại công ty bồi thường khoản tiền chênh lệch do đóng BHXH không đúng không?.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng luật sư Nguyễn Như – Gia Phát, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: Bộ luật hình sự 2015 quy định chế tài xử lý về hình sự đối với các hành vi Gian lận BHXH (điều 214); Gian lận Bảo hiểm y tế (điều 215) và hành vi Trốn đóng BHXH (điều 216). Về chủ thể của tội phạm là người có nghĩa vụ đóng BHXH mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ các loại BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều luật chỉ áp dụng xử lý hình sự đối với người sử dụng lao động khi đủ điều kiện chứ không phải là các điều luật quy định về quyền khiếu nại hay quyền đòi bồi thường.
Trên thực tế, lương của bạn thực nhận tương ứng với mức lương nêu trong hợp đồng lao động là 16.900.000 đồng nhưng mức đóng BHXH là 7.140.000 đồng. “Đối chiếu với các quy định của pháp luật lao động thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều vi phạm pháp luật vì mức đóng BHXH được tính trên cơ sở tiền lương (trả theo HĐLĐ), phụ cấp lương (nếu có) và các khoản thu nhập bổ sung (nếu có) – Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH”, luật sư Hùng trả lời.
Việc công ty thông báo chi trả đồng loạt cho gần 200 lao động nghỉ việc, chỉ trả 1 tháng lương trợ cấp thôi việc/1 lao động (không kể thời gian làm việc dài hay ngắn) trong khi bạn đã làm việc được 14 năm theo luật sư Hùng là hoàn toàn vi phạm các quy định tại điều 36, 48 BLLĐ 2012. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ thuộc về tòa án theo quy định tại điều 32 BLTTDS 2015.
Về quyền khiếu nại/khởi kiện "Bạn có quyền yêu cầu hòa giải, trong trường hợp hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành hoặc không tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định thì bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn phương án khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở LĐ – TBXH theo quy định tại khoản 4 điều 237 BLLĐ 2012", luật sư Hùng tư vấn.