Liên quan đến nội dung phản ánh của người tiêu dùng về sản phẩm mỹ phẩm Sarahee sử dụng những từ ngữ quảng cáo dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc, báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải bài viết “Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh Công ty dược mỹ phẩm Aurenda quảng cáo mỹ phẩm như thuốc”.
Theo đó, mỹ phẩm Sarahee thuộc Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Aurenda Việt Nam có địa chỉ tại: Số 29 ngõ 151B đường Thái Hà, Phường Láng Hạ.
Những hình ảnh nhạy cảm được đăng tải công khai trên website sarahee.vn để quảng cáo sản phẩm. Ảnh: chụp màn hình |
Qua quá trình tìm hiểu sản phẩm trên, nhóm PV phát hiện bên cạnh việc quảng cáo dễ gây hiểu nhầm là thuốc, trên website sarahee.vn Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Aurenda Việt Nam không e dè mà trực tiếp sử dụng những hình ảnh vùng kín, bầu ngực hay vùng mông của phụ nữ để làm minh chứng cho tác dụng của sản phẩm trên. Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh nhạy cảm này không hề được che mờ. Ngay cả những clip bầu ngực được cho là phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm trên cũng được đăng tải trên website mà không hề che mờ.
Phần phản hồi của khách hàng cũng trực tiếp sử dụng những hình ảnh nhạy cảm. Ảnh: chụp màn hình |
Không chỉ vậy, trên website này còn nhắc đến logo của VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam và VTC2 là những đối tác truyền thông để tăng độ tin cậy cho khách hàng.
Việc sử dụng những hình ảnh quảng cáo nhằm minh chứng chất lượng sản phẩm xưa nay vốn được nhiều doanh nghiệp sử dụng, tuy nhiên, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Aurenda Việt Nam lại sử dụng những hình ảnh nhạy cảm, “đánh” vào thị hiếu của khách hàng để quảng cáo sản phẩm. Phải chăng Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Aurenda Việt Nam đang không tôn trọng người tiêu dùng? Đồng thời hình ảnh quảng cáo trên website này đang trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam?
Ảnh: chụp màn hình |
Báo Pháp luật Việt Nam kính đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh nội dung, hình ảnh quảng cáo sản phẩm Sarahee của Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Aurenda Việt Nam trên website sarahee.vn để có câu trả lời cho dư luận, tránh để người tiêu dùng hoang mang.
Theo Khoản 4, Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã nên rõ:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng quảng cáo để xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
b) Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;
c) Quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;
d) Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.