Ông Đào Văn Hòa - nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không thuộc Công ty CP Vận tải ô tô Hàng không (gọi tắt: Công ty Hàng không) cho hay, tháng 9/2013, ông được lãnh đạo công ty này bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nói trên. Sau khi nắm giữ cương vị này, ông Hòa đã ký thỏa thuận giao khoán với Công ty Hàng không về việc công ty cho phép Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không được tuyển sinh, tổ chức đào tạo lái xe ô tô.
“Cụ thể, tôi phải nộp cho Công ty Hàng không số tiền ký quỹ bảo lãnh 150 triệu đồng và mỗi tháng còn nộp tiền khoán là 90 triệu đồng”, lời ông Hòa.
Tuy nhiên, theo nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không, trong thời gian thực hiện thỏa thuận nói trên, phía Công ty Hàng không đã vi phạm nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của ông Hòa.
Theo nội dung giao khoán ngày 4/10/2013 giữa hai bên thì Công ty Hàng không giao cho Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không 40 xe ô tô. Tuy nhiên, theo ông Hòa, sau đó phía công ty này chỉ giao 31 xe, trong đó chỉ có 27 xe đạt tiêu chuẩn. “Điều này khiến cho Trung tâm chúng tôi thiếu xe, không đảm bảo được hoạt động giảng dạy; khả năng tuyển sinh không đảm bảo về số lượng”, ông Hòa phản ánh.
Thêm nữa, Công ty Hàng không đã không bố trí đủ số phòng làm việc và phòng học lý thuyết (thiếu 4/6 phòng) cho Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không như đã thống nhất trong “Hợp đồng giao khoán”.Thay vào đó, công ty mang một số diện tích của Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không để cho thuê ngoài?
“Công ty Hàng không đã tiến hành cho thuê toàn bộ trụ sở Trung tâm mỗi tháng thu về 40 triệu. Riêng trong năm 2015, công ty thu về 480 triệu”, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không viết trong đơn gửi các cơ quan chức năng.
Theo Quyết định cho mượn đất, Công ty Hàng không chỉ được phép sử dụng vào việc tập lái, thi cấp bằng lái xe ô tô |
Sử dụng đất sai mục đích?
Theo tìm hiểu của PLVN, ngày 30/10/2000, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã có Quyết định số 2405/QĐ-CHK về việc cho phép Công ty Hàng không được sử dụng khu đất 12.000 m2 (sân đỗ trực thăng cũ) do Cục Hàng không dân dụng quản lý tại Sân bay Gia Lâm để doanh nghiệp này tập lái xe và thi cấp bằng lái xe ô tô.
“Công ty vận tải Hàng không không được lấn chiếm hoặc làm hư hại đến mặt đường và thực hiện đúng quy định của Nhà nước”, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam lưu ý khi ra quyết định cho công ty này tạm sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo ông Hòa thì Công ty Hàng không trên thực tế đã không tu bổ sân bãi, dẫn đến sân tập nhiều chỗ cỏ mọc hoang, đất đá đổ bừa bãi, nhiều biển báo hư hỏng, sân không có đường vạch giới hạn... Đáng nói, Công ty Hàng không còn cho đơn vị khác thuê sân tập lái làm nơi sản xuất, đóng gói sản phẩm, kinh doanh dịch vụ bãi gửi xe ô tô?
“Trong thời gian làm lãnh đạo Trung Tâm Đào tạo lái xe Hàng không, do công ty không bỏ tiền tu sửa sân bãi nên tôi đã bỏ tiền túi ra 151 triệu đồng để làm cống thoát nước. Tuy nhiên, đến nay Công ty Hàng không cũng không có hướng giải quyết việc này...”, ông Hòa cho biết thêm.
Rõ ràng, bãi tập lái mà Công ty Hàng không được cho mượn thuộc diện tích của Sân bay Gia Lâm, là tài sản của Nhà nước do Cục Hàng không quản lý. Nhưng thực tế nếu đã diễn ra như những gì mà ông Hòa phản ảnh thì ở đây đã có dấu hiệu của việc sử dụng đất sai mục đích, trái với Quyết định 2405/QĐ-CHK. Thực tế nêu trên liệu Cục Hàng không có nắm được?
Được biết, liên quan đến sự việc này, mới đây nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không Đào Văn Hòa đã có “Đơn tố cáo” gửi Công an TP.Hà Nội với mong muốn được xác minh, làm rõ những nội dung trên.
Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kết luận đúng, sai xung quanh những phản ánh của nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hàng không để quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, đơn vị liên quan không bị phương hại.