Theo AFP, trong những tuần gần đây, Ấn Độ đã nổi lên như một điểm nóng đại dịch Covid-19 toàn cầu mới dù các ca bệnh tiếp tục tăng cao trên toàn thế giới với số ca nhiễm bệnh được báo cáo trên toàn cầu đã lên đến gần 27 triệu người và số ca tử vong vượt qua con số 880.000 người.
Trong những ngày gần đây, Pháp, Israel và Australia nằm trong số các quốc gia buộc phải mở rộng các hạn chế đi lại hoặc áp đặt các hạn chế mới để cố gắng kiềm chế mức tăng mới.
Ấn Độ - nơi có một số thành phố đông dân nhất thế giới – trong những ngày qua đã báo cáo mức tăng số ca nhiễm bệnh mới cao nhất trong một ngày trên thế giới.
Đến ngày 7/9, New Delhi tiếp tục xác nhận một kỷ lục mới với gần 91.000 trường hợp mắc mới.
Với số ca nhiễm bệnh mới được xác nhận như trên, số ca lây nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ đến ngày 7/9 đã tăng thành hơn 4,2 triệu, vượt qua tổng số ca bệnh của Brazil và khiến Ấn Độ trở thành nước có số ca bệnh cao thứ hai thế giới, sau Mỹ với 6,25 triệu người mắc bệnh.
Tuy nhiên, với nền kinh tế Ấn Độ đã rơi vào suy thoái sau nhiều tháng hạn chế đi lại, các nhà chức trách nước này buộc phải thực hiện các kế hoạch mở cửa trở lại đầy rủi ro.
Tàu điện ngầm ở thủ đô New Delhi đã bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 7/9 sau khi ngừng hoạt động 5 tháng và 12 thành phố khác cũng đã khởi động lại các dịch vụ tàu điện ngầm.
Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giới chức địa phương đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với các chuyến tàu như bắt buộc phải đeo khẩu trang, kiểm tra độ xa giữa các hành khách và kiểm tra nhiệt độ.
Về tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, Mỹ hiện có nhiều người thiệt mạng vì Covid-19 nhất với hơn 188.000 người, tiếp theo là Brazil với 126.000 và Ấn Độ đứng thứ 3 với khoảng 71.000 người thiệt mạng.
Anh - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bắt đầu đại dịch - cũng đang phải chống chọi với một đợt tăng đột biến khác. Theo số liệu của Bộ Y tế Anh, số ca mắc hàng ngày tại nước này lên tới gần 3.000 ca vào ngày 6/9, một mức chưa từng thấy kể từ cuối tháng 5.