Lạm phát tháng 9 bất ngờ tăng mạnh, bằng cả 7 tháng trước đó cộng lại. Các chuyên gia quan ngại, diễn biến bất thường của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy nguy cơ lạm phát cao vẫn treo lơ lửng...
CPI từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 9 năm 2012 |
Hàng hóa tăng giá vù vù
Thời điểm hiện tại, tại Hà Nội giá các mặt hàng rau xanh như: rau muống, mùng tơi, cải xanh, rau khoai lang... đều có giá dao động từ 5.000 - 7.000 đồng (đ)/mớ. Thịt lợn có giá từ 100.000 - 120.000 đ/kg; thịt gà, thịt ngan có giá 100.000 – 120.000 đ/kg... Tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, như tại chợ Bến Thành (quận 1), giá cua biển tăng 10.000 đ/kg; các loại sò, ốc tăng 2.000 - 3.000 đ/kg. Một số loại rau như cải thảo, cải ngọt, xà lách xoong, dưa leo, khổ qua tăng từ 1.000 - 2.000 đ/kg; cà chua, cà rốt, xà lách tăng 3.000 - 4.000 đ/kg….
Đại diện hệ thống siêu thị Co.op mart cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã nhận được đề nghị điều chỉnh tăng giá sản phẩm của khoảng gần chục nhà cung cấp hàng hóa, tập trung vào nhóm hàng may mặc, hàng tiêu dùng nhựa, hóa mỹ phẩm, với mức đề nghị tăng giá khoảng 4 - 10%.
Trong nhóm mặt hàng thực phẩm tăng giá, nổi lên, là mặt hàng sữa. Theo thông báo của doanh nghiệp, từ 24/9, một số sản phẩm sữa của hãng Abbott tăng giá khoảng 10% so với giá cũ. Cụ thể, sữa bột Gain IQ từ 126.500đ lên 136.700 đ/hộp 400g; Similac Gain IQ từ 229.500đ lên 252.400 đ/hộp 400g; Grow Vanilla từ 121.000đ lên 133.000 đ/hộp 400g... Riêng Công ty Friesland Campina VN, từ ngày 1/10 sẽ bắt đầu điều chỉnh giá tăng 3,8% - 5% tùy từng mặt hàng.
Cùng với giá sữa, tại thị trường Hà Nội, gas được bán phổ biến ở mức 410.000-440.000 đồng/bình 12kg. Hiện gas thế giới đang được chào bán với giá 1.000 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với mức giá công bố hồi đầu tháng 9/2012. “Nếu mức giá này được giữ đến cuối tháng thì các doanh nghiệp gas trong nước có thể tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ thêm khoảng 15.000 đồng/bình 12kg” – các DN kinh doanh gas đe.
Như tin đã đưa, theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9 tăng mạnh 2,2% so với tháng 8, tăng 6,48% so với cùng kỳ. CPI tháng 9 cả nước tăng mạnh đã thực sự gây sốc cho người tiêu dùng, và vượt xa dự báo của giới chuyên môn.
Nhìn chung, tất cả 11 nhóm hàng tính chỉ số giá trong tháng 9 đều tăng so với tháng 8. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất tới 17,02% do đợt tăng giá thuốc và viện phí bắt đầu từ tháng 8; tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 10,54% do yếu tố thời vụ mùa tựu trường; nhóm giao thông tăng 3,83%, và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,18% ...
Kịch bản nào cho lạm phát?
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lạm phát tháng 9 rất bất thường, mức tăng 2,2% của tháng 9 là quá cao, xét cả về lịch sử lẫn bối cảnh hiện tại. “Theo dõi số liệu từ năm 1995 đến nay, tôi thấy chưa có tháng 9 nào có mức tăng cao như năm nay. Như vậy có thể gọi đây là mức tăng lịch sử. Ngoài ra cũng cần thấy là trong 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,22%, riêng tháng 9 này đã tăng bằng cả 7 tháng cộng lại. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng lạm phát cao đang có dấu hiệu quay trở lại” – ông Ánh cảnh báo.
Chỉ số giá tăng mạnh trong tháng 9 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay? - Theo vị chuyên gia này, nếu muốn lạm phát ở mức khoảng 7% thì rất khó bởi hiện đã 5,13% rồi. “Ở kịch bản tốt, tôi cho rằng lạm phát có thể ở mức trên 8% nếu CPI 3 tháng cuối năm tăng khoảng 1% mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu mức tăng khoảng 2% của tháng 9 lặp lại, con số có thể cao hơn” – ông Ánh nói.
Để “hãm phanh” CPI cũng như “chặn đà” quay trở lại của lạm phát, giới chuyên gia kiến nghị: không được sao nhãng trong việc ngăn chặn nhập siêu; cẩn trọng trong việc vay nợ, nhất là vay thương mại, đặc biệt là vay thương mại của các doanh nghiệp; nghiêm chỉnh và tích cực trong việc trả nợ (như thời gian qua, tỷ lệ thực hiện trả nợ nước ngoài so với dự toán cả năm mà Quốc hội phê duyệt đều cao hơn các tỷ lệ của các khoản khác).
Phải cẩn trọng với việc tăng tỷ giá, bởi nếu tăng tỷ giá sẽ làm phát sinh nhập khẩu lạm phát do giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ bị tăng kép (vừa tăng do giá tính bằng ngoại tệ tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/ngoại tệ tăng).
Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản. Các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ. |
Mai Hoa