Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), lực lượng CSGT có mặt từ ngày đầu tiên miền Trung bị bão lũ.
Trên đường bộ, CSGT chủ động phối hợp với lực lương chức năng các địa phương tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, đặt cảnh báo nguy hiểm như rào chắn, barie…trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở, các tuyến đường bị chia cắt để cảnh báo cho người dân, hướng dẫn phương tiện đi vào các tuyến đường an toàn, kiên quyết không để người dân và phương tiện cố tình đi vào khu vực nguy hiểm.
Thiếu tướng Trấn Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT, chỉ đạo CSGT các cấp, địa phương ứng phó bão lũ miền Trung. |
CSGT trực tiếp khắc phục sự cố như thu dọn vật dụng ngổn ngang trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi bị ảnh hưởng của bão số 9, đến 18h ngày 28/10 thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, giúp giải phóng lượng phương tiện đang ùn ứ trên cao tốc.
Lũ dâng cao khiến nhiều km đường sắt ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định hư hại, trơ thanh tà vẹt; hàng chục cột điện, hàng nghìn cây xanh đổ vắt ngang đường sắt, gây nguy cơ mất an toàn chạy tàu. Lực lượng CSGT đường sắt của Cục CSGT đã có mặt kịp thời phối hợp với ngành đường sắt nhanh chóng khắc phục hậu quả, thông tàu toàn tuyến.
Thủy đoàn I dùng ca nô đặc chủng đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường sạt lở Thủy điện Rào Trăng. |
Thủy đoàn I, Cục Cảnh sát giao thông xác định là mũi nhọn trong công tác ứng phó với cơn bão lũ, khi có lũ dâng cao, con đường tiếp cận duy nhất đến được với bà con là đường thủy.
Đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, tăng cường lực lượng, phương tiện như xuồng máy công suất lớn, xe ô tô cẩu tải, áo phao cứu sinh, dụng cụ cứu hộ cứu đắm, vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt, Thủy đoàn I chuẩn bị súng bắn dây, mồi cứu sinh, đây là loại dụng cụ đặc biệt để bắn phao cứu sinh tự thổi, dùng trong trường hợp khi lực lượng cứu hộ khó tiếp cận người gặp nạn.
Khi lũ tại Hà Tĩnh lên cao, Cục CSGT phối hợp CSGT Hà Tĩnh, kịp thời đưa hàng chục người dân bị thương tới các bệnh viện cấp cứu; dùng xuống máy vào từng ngõ, gõ từng nhà, đưa 280 người dân từ vùng bị cách ly đến nơi an toàn.
Thủy đoàn I cũng tham gia thực hiện cứu hộ, cứu nạn tài Rào Trăng Huế, phối hợp với CSGT đường bộ - đường sắt Thừa Thiên Huế, các lực lượng chức năng sử dụng ô tô, xuồng máy vận chuyển hàng trăm lượt công binh, công nhân, bộ đội từ lòng hồ đi vào Thủy điện Rào Trăng 4; hàng tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, dùng ca nô đặc chủng đưa thi thể hai công nhân ở thủy điện Rào Trăng về bệnh viện Quân y 268 - thành phố Huế để làm các thủ tục pháp y liên quan.
Lũ lụt, sạt lở ở các tỉnh miền Trung vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mực nước các sông dâng cao, nhiều nơi trên báo động 3, các cá nhân, tổ chức vẫn thuê tàu xuồng hoạt động từ thiện trên sông nước. Lực lượng CSGT đường thủy đã tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát nhằm hỗ trợ, tuyên truyền các đoàn từ thiện bảo đảm an toàn, phòng ngừa tai nạn.
Đồng thời CSGT đường thủy phối hợp với Cảng vụ nội thủy kiểm tra, khảo sát đặt cảnh báo ở khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn giao thông thủy; chủ động tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ tặng quà một số hộ nuôi trồng thủy sản, chủ tàu thuyền bị thiệt hại nặng do bão lũ gây ra…
“Trước diễn biến khó lường của thiên tai, tình hình bão lũ tại miền Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, lực lượng CSGT cần tiêp tục phát huy thế chủ động, tác chiến trong cứu hộ, cứu nạn. Trong những ngày tới, lực lượng CSGT cần thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, biến đổi của khí hậu thời tiết, chủ động phòng ngừa bão lũ, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra” Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an nhấn mạnh.