Công ty có sản phẩm bị “nói xấu” có thể kiện đòi bồi thường nếu việc đưa những thông tin về sản phẩm là không chính xác vì mục đích xấu.
Thời gian qua, hai nhãn hiệu mì ăn liền của Cty CP thực phẩm Á Châu (Asia Foods) liên tục bị “công kích” khiến uy tín của nhãn hiệu các sản phẩm được nhiều người đánh giá là có hướng đi đúng trong việc tiếp cận thị trường không khỏi ảnh hưởng.
|
Trong khi nhãn hiệu mì Gấu đỏ bị cho rằng đã “lợi dụng” tình cảm của người tiêu dùng đối với trẻ em bị ung thư qua clip quảng cáo “Gắn kết yêu thương” chưa được “giải quyết” xong thì đến lượt nhãn hiệu mì Gấu yêu, một sản phẩm hướng đến phân khúc thị trường mì ăn liền dành cho trẻ em cũng bị công kích vì cho rằng nhà sản xuất quảng cáo không đúng với chất lượng hàng hóa.
Những luồng thông tin và quan điểm không có lợi xảy ra cùng một thời điểm đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của các sản phẩm mang nhãn hiệu Gấu đỏ và Gấu yêu.
Trước những diễn biến này, nhà sản xuất là Cty CP thực phẩm Á Châu đã lên tiếng bảo vệ sản phẩm của mình. Ngoài việc khẳng định chất lượng sản phẩm mì ăn liền Gấu yêu đảm bảo chất lượng “3 không” (không chất tạo ngọt, không phẩm màu và không chất bảo quản) như nội dung ghi trên bao bì sản phẩm và các tài liệu khác quảng cáo về sản phẩm, đại diện Cty đặt nghi ngờ và sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ liệu có cá nhân, tổ chức nào đã cố ý “chơi xấu” Cty bằng việc lấy mẫu sản phẩm của Cty và xét nghiệm rồi đưa ra những thông tin thất thiệt, làm mấy uy tín các thương hiệu của họ.
Việc tổ chức, cá nhân tự lấy mẫu sản phẩm của doanh nghiệp khác để xét nghiệm rồi công bố thông tin liệu có đúng pháp luật và đáng tin không?, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Đạo về vấn đề này:
Thưa Luật sư, cùng một lúc hai nhãn hiệu của Cty bị “nói xấu”, ông có cho rằng Cty CP thực phẩm Á Châu đang bị “chơi xấu” như nghi ngờ của Cty này?
- Trong lúc có nhiều nguồn tin không có lợi cho các sản phẩm của Cty dồn dập xảy ra thì việc doanh nghiêp nghi ngờ có người “đứng sau” những thông tin đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng theo tôi, cách giải quyết tốt nhất không phải là đặt ra nghi ngờ vì để chứng minh nó rất khó lại không thể ngay lập tức giúp người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm của Cty.
Về nguyên tắc, bất cứ sản phẩm hàng hóa nào cũng có thể gặp sóng gió trong quá trình tiếp cận thị trường, càng những sản phẩm được nhiều người biết đến và có khả năng chiếm lĩnh thị trường tốt thì càng dễ gặp sự công kích. Do đó, cách thức tốt nhất mà doanh nghiệp bảo vệ nhãn hiệu và sản của mình là khẳng định chất lượng cũng như công khai các thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng được biết thay vì hướng dư luận sang vấn đề khác như là có người “chơi xấu”. Nếu sản phẩm mì Gấu yêu có chất lượng đúng là “3 không” thì sự công kích có thể phản tác dụng, sẽ làm cho sản phẩm này được nhiều người biết đến hơn.
Những luồng thông tin không có lợi được cho là dựa trên kết quả xét nghiệm. Theo quy định của pháp luật, những cơ quan, tổ chức nào được phép lấy sản phẩm của doanh nghiệp di xét nghiệm, thưa ông?
- Việc tổ chức xét nghiệm, giám định, kiểm định chất lượng hàng hóa chủ yếu là để phục vụ giải quyết tranh chấp pháp lý hoặc vi phạm pháp luật, do các cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án, trọng tài) hoặc cơ quan có chức năng xử lý vi phạm (quản lý thị trường) tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và trưng cầu cơ quan chức năng giám định, xét nghiệm.
Để kết quả xét nghiệm được khách quan thì bắt buộc quy trình lấy mẫu phải khách quan, như lấy mẫu tại nơi sản xuất, bày bán; có biên bản lấy mẫu với sự chứng kiến của nhà sản xuất, mẫu sản phẩm phải được niêm phong, mở niêm phong đúng quy trình.
Nếu có tổ chức, cá nhân tự lấy mẫu để xét nghiệm rồi công bố kết quả thì kết quả rõ ràng không đáng tin cậy. Thông tin không có lợi được công bố có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì Công ty có quyền khởi kiện người công bố thông tin hoặc yêu cầu điều tra, xử lý.
Xin cảm ơn ông!
Chất điều vị trong mì Gấu yêu có nguồn gốc tự nhiên Theo ông Trần Bảo Minh, Phó TGĐ Cty CP Thực phẩm Á Châu, Phiếu kết quả kiểm nghiệm số MM12035580 do Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thực hiện tháng 3/2012 trên mẫu bột mì nguyên liệu sử dụng sản xuất mì Gấu yêu cho thấy hàm lượng Monosodium Glutamat - MSG (chất điều vị) là 28,554 mg/kg. Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam thì MSG có trong tự nhiên, cụ thể trong 100g bột mì có khoảng 3,4800mg MSG. Trong khi đó, hàm lượng MSG trong mì Gấu yêu là 1,1175mg/kg. Điều này cho thấy lượng MSG phát hiện này là từ nguyên liệu tự nhiên. Bản chất MSG cũng tồn tại một cách tự nhiên trong các nguyên liệu chế biến thực phẩm khác. Ông Minh cũng khẳng định, Cty CP thực phẩm Á Châu đã sử dụng lượng lớn bột thịt sấy như thị heo, thịt tôm nhập trực tiếp để sản xuất mì Gấu yêu. Theo bảng phân tích thành phần vị umami, trong thịt tôm tươi, lượng MSG tự nhiên là: 43mg/100g, lượng Inosinate: 92mg/100g. Trong thịt heo tươi, lượng MSG tự nhiên là: 2.5mg/100g, lượng Inosinate tự nhiên là: 122mg/100g. Công ty CPTP Á Châu khẳng định không thêm chất tạo ngọt vào trong sản phẩm Mì Gấu Yêu trong quá trình sản xuất. Đại diện Cty Á Châu cũng cho biết, căn cứ Quy định danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm được ban hành kèm theo quyết định 3742/2001/ QĐ – BYT ngày 31/8/2001 của Bộ Trưởng Y Tế, thì sản phẩm mì Gấu yêu hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản nằm trong danh mục. Muối phosphate (451i - 452i) được sử dụng cũng không nằm trong danh mục chất bảo quản. Các chất này chỉ sử dụng trong vắt mì với tính năng chính là ổn định cấu trúc sợi mì, làm cho sợi mì dai ngon. Các nguyên liệu hay phụ gia thực phẩm thường có nhiều chức năng khác nhau. Bên cạnh chức năng chính là giúp ổn định cấu trúc sản phẩm, muối phosphate cũng có chức năng khác là bảo quản sản phẩm. Vì vậy, muối, đường bên cạnh chức năng tạo vị thì cũng có chức năng bảo quản thực phẩm. Vì thế, theo Cty Á Châu, nếu cho rằng, tất cả các sản phẩm có sử dụng muối hoặc đường mà ghi nhãn là không chất bảo quản như sản phẩm của Công ty thì phải chăng đều là “gian dối”?. |
Bình Minh