Suốt 40 năm chưa một lần đau ốm
Thôn Đồng Bảng nằm giữa những hàng cây xanh mát bên con đường nhỏ quanh co. Với một bên là cánh đồng lúa xanh mướt, bên kia là kênh nước xanh biếc khiến con đường dẫn vào nhà cụ Suốt đẹp tựa bức tranh thủy mặc.
Tới thăm cụ vào đúng vụ thu hoạch lúa, các con cháu của cụ đều vắng bận cả. Biết có khách đến thăm, cụ vấn lại khăn rồi rời khỏi gian buồng. Đưa đôi mắt mờ đục nhìn về phía chúng tôi, cụ khẽ cười rồi bảo: “Vào đây con, uống nước cho đỡ nóng”. Sau dăm ba câu chuyện dần dà cụ cởi mở, ngồi kể cho chúng tôi nghe những ký ức tuổi thơ.
Cụ Suốt kể, ngày xưa gia đình cụ thuộc vào diện nghèo khó nhất vùng, cái ăn nhiều bận cũng chẳng đủ nhưng cụ lại say mê múa hát từ nhỏ. Nhà nghèo, không được đi học nên mỗi lần đi làm thu cho địa chủ, thi thoảng cụ nghe trộm được một vài làn điệu rồi cố nhớ trong lòng.
Rồi mỗi ngày, những lời ca điệu hát đó như có sức sống, chúng ngấm dần vào người cụ. “Tôi có thể nghe hát cả ngày mà nhịn ăn cũng được. Tôi nghiện nhạc ca trù ấy lắm, nghe nhạc vào thấy tâm hồn khoan khoái lạ thường. Nhiều ký ức buồn, vui lại hiện về sau từng nhịp phách”, cụ Suốt rỉ rả.
Rồi cụ Suốt kể, khi được 3 tháng tuổi thì mẹ mất, một mình cha gà trống nuôi 4 người con. Không đủ ăn, lên 8 tuổi, gia đình quá nghèo khó nên cụ Suốt được cho đi ở đợ trong một gia đình giàu có ở làng.
Cụ cho biết, sinh ra cũng là một con người nhưng tuổi thơ của cụ bị hành xử không khác gì con vật. Có lần vì sơ ý làm vỡ cái bát ăn cơm mà địa chủ đã cho người lôi ra đánh đập rồi nhốt vào chuồng lợn suốt 2 ngày. Nhiều lần cụ ngồi khóc thu mình lại và thấy mình cũng giống như kiếp những con lợn, con gà nhốt ngoài chuồng kia.
Vì nghèo khó, cha cụ lâm bệnh nặng và qua đời. Ngày cha mất cũng là ngày cuộc đời cụ bước sang một trang mới. Trong nhà không còn một đồng để lo tang. Trong cơn cùng cực, cụ và các em chạy đi vay mượn khắp vùng nhưng người nghèo thì không có còn người giàu lại sợ phận hèn không có tiền trả.
Quá tủi cực, cụ Suốt chỉ biết ôm chặt lấy cha mình mà khóc. “Khi đó tôi liền nghĩ cách bán mình để lấy tiền chôn cất cho cha. Nghĩ vậy tôi đã nhờ bà mối giúp đỡ với một mong muốn duy nhất là ai giúp tôi lo tang ma cho cha, tôi sẽ trở thành người hầu kẻ hạ cho người đó suốt đời”, cụ suốt bùi ngùi kể lại với những đoạn ký ức bị đứt gãy.
Không còn lựa chọn nào khác, cụ đành làm vợ lẽ của người đàn ông cùng làng, hơn cụ gần 30 tuổi. Khi về làm vợ hai, cụ Suốt phải gánh chịu những trận ghen tuông khủng khiếp của người vợ cả. Mãi tới khi cụ sinh được 3 người con xinh xắn, khỏe mạnh mới thoát khỏi những trận đòn ghen chung chồng.
Thế nhưng, hạnh phúc thực sự với cụ đến chẳng tày gang, không lâu sau đó, chồng cụ mất khi đứa con trai út mới vừa chập chững lên ba. Bao gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy nhỏ bé của cụ. Mỗi ngày, cụ chăm chỉ làm đồng, rau cháo nuôi các con khôn lớn.
Như được trời phật bù đắp lại, hơn trăm tuổi, cụ Suốt vẫn đi bộ, cách nhà mấy chục cây số để quyên tiền xây đền dưới chân núi Tản. Thời gian vừa rồi, cụ vẫn còn nhổ cỏ vườn, nấu ăn, may vá lấy. Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, cụ vẫn chống gậy ra hòm phiếu trong thôn để tự mình bỏ lá phiếu, thực hiện nghĩa vụ của người công dân.
Hàng năm, Hội người cao tuổi Việt Nam trong xã đều tổ chức mừng thọ cho cụ |
Sang năm nay, sức khỏe có kém đi, thỉnh thoảng hơi bị lẫn nhưng cụ vẫn luôn quét nhà, quét sân, giúp con cháu. Các con cháu có gàn, nhưng không được bởi lẽ cụ không dễ gì bỏ được thói quen làm lụng đã đi gần hết đời khổ nghèo. Cụ Suốt chẳng mấy khi ốm, chỉ khi trái gió trở trời thì đau đầu, qua hôm sau là khỏi. Tuy chân cụ yếu, hay ngã, nhưng chỉ sứt sát ngoài da chứ hiếm khi phải dùng đến viên thuốc tây.
Sống thọ nhờ cơm trắng muối vừng
Hỏi về bí quyết sống mạnh khỏe ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Suốt chỉ cười. Trong cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt của cụ rất điều độ, tuy ăn ít nhưng chia làm nhiều bữa, mỗi bữa chừng hai chén cơm. Món cụ thích nhất là cơm nguội trộn muối lạc, muối vừng tự tay giã.
Đặc biệt, cụ không bao giờ ăn thịt, cá hoặc các đồ ăn có mỡ. Hễ đồ ăn có dính mỡ là cụ không thể nào nuốt nổi.
Lý giải điều kỳ lạ trên, cụ Suốt chia sẻ thêm: "Ngày xưa nghèo khó, tôi bị bắt đi làm đầy tớ, phải làm lụng tối ngày còn khốn khổ hơn con vật thì lấy đâu cơm mà ăn, huống chi là cá, thịt. Ở với nhà giàu, nhà địa chủ thì bị đánh đập, ép làm việc liên tục suốt ngày, không được ăn uống cũng thành quen.
Cứ lúc nào đói, tôi lại vặt tạm mấy cọng rau, bới củ khoai ăn lót dạ hay chạy xuống bếp xem có hạt cơm nguội nào thừa để bỏ bụng cho đỡ đói thôi. Cho đến khi ở cùng các con lúc nghèo cũng như lúc giàu có, tôi vẫn chỉ ăn cơm với muối lạc, muối vừng. Tôi ăn cho đến bây giờ nên thành thói quen không thể bỏ được”.
Ông Nguyễn Văn Miện, một người hàng xóm của cụ Suốt cho biết: tuổi thơ của cụ cực khổ lắm. Cụ là người tốt tính, luôn yêu quý, gần gũi với bà con trong làng. Bữa cơm của cụ chỉ duy nhất có muối vừng, ai cho cái gì cũng không ăn. Vì sự khác người đó nên cụ trở nên nổi tiếng khắp vùng này. Thậm chí nhiều người cũng tìm đến học hỏi bí quyết mong được sống thọ như cụ.
Hơn thế, cụ là một người tín ngưỡng phật, hay đi lễ chùa và sống có đức hạnh. Hàng đêm cụ thường đọc kinh Phật cho tới khuya. Cho đến tận bây giờ, cụ luôn tâm niệm không sát sinh, ăn chay và tìm đến cửa Phật, làm thật nhiều điều phúc hậu cho cuộc đời.
Sau một hồi dài ngồi chuyện trò, bóng chiều tà dần buông xuống mái nhà, cụ hóm hỉnh đùa: “Lần sau về thăm cụ, các cháu mua giúp cụ ít gan giời để cụ nếm thử xem mặn nhạt ra sao”.
Có lẽ, ẩn chứa trong câu đùa ấy là sự gợi nhớ lại số phận bất hạnh cùng những thách thức của cuộc đời mà cụ đã mạnh mẽ vượt qua để tiếp tục sống khỏe bên con cháu.