Cư dân mạng 'nhức mắt' vì phim online sexy, bạo lực

(PLO) - Sự thành công của Chi Pu đối với bộ phim “Cô gái trên sân thượng” chính là “mồi lửa châm ngòi” cho trào lưu làm phim online kiếm tiền. Sự ồ ạt của nhiều nhà sản xuất phim, nhiều diễn viên online tạo ra nhiều sản phẩm tốt, xấu… lẫn lộn và tràn lan. Đó chính là lí do đã đến lúc phải có quy định chung cho làm phim online.
Bên cạnh dự án phim “Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai” của nữ diễn viên Chi Pu được nhiều người mong đợi thì đã, đang và sẽ có những phim online thiếu chuyên nghiệp khiến người xem “nhức mắt”.
Bên cạnh dự án phim “Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai” của nữ diễn viên Chi Pu được nhiều người mong đợi thì đã, đang và sẽ có những phim online thiếu chuyên nghiệp khiến người xem “nhức mắt”.

“Cơn sốt” làm phim online

Đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều năm nay nhưng trào lưu phim online chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng phát triển nhanh như vũ bão. Thành công của những nhóm làm phim online nổi tiếng như DAM TV, BB&BG hay Thích Ăn Phở với những phim ngắn có lượt xem cực khủng như “Kính vạn bông” (DAM TV - hơn 25 triệu lượt xem); “Chầu hoan cua” chống (DAM TV - 14,6 triệu lượt xem); “Mình yêu nhau đi” (BB&BG - hơn 22 triệu lượt xem);… trở thành niềm ao ước và khơi dậy đam mê làm phim của rất nhiều đạo diễn và các nhóm làm phim trẻ.

Sở dĩ, không cần tốn quá nhiều chi phí hay dàn diễn viên chuyên nghiệp, nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn có thể làm phim hài một cách dễ dàng. Cũng vì thế mà nó nhanh chóng trở thành xu hướng và sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ, nhóm làm phim trẻ.

Đặc biệt, bộ phim phát hành online “Cô gái trên tầng thượng” của Chi Pu vừa qua đã xuất sắc đạt giải Cánh Diều Vàng trong hạng mục phim ngắn là bước đà lớn để trào lưu làm phim online phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lan truyền đến rất nhiều người có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Và trong số đó, không ít người nghĩ rằng, làm phim online là một trong những cách có thể kiếm tiền mà không cần tốn quá nhiều kinh phí cũng như không phải trải qua quá nhiều kiểm duyệt.

Có lẽ vì vậy mà sau khi “bùng phát”, ngoài những phim chất lượng người ta bắt đầu cảm thấy “nhức mắt” với nhiều bộ phim được dàn dựng kiểu thiếu chuyên nghiệp, nội dung phản cảm, không mang giá trị nhân văn đến cho người xem. Phải chăng đã đến lúc cần có một quy định chung hoặc sự kiểm tra mang tính khuôn khổ đối với phim online để làm “sạch” mảng đất vốn dĩ có thể sản xuất ra nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc?

Phim online làm thế nào cũng được?

Có một thuận lợi là bên cạnh việc trau dồi kỹ năng, các nhà làm phim online cũng dễ dàng giới thiệu sản phẩm của mình hơn mà không phải trải qua khâu kiểm duyệt nào của Cục Điện ảnh. Youtube chỉ kiểm soát về vấn đề bản quyền và tránh những hình ảnh khiêu dâm. Đầu tiên kể tên đến “Căn hộ 69” sản xuất năm 2014 của hai đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito là trường hợp đầu tiên rơi vào vùng kiểm duyệt, dẫn đến những tranh luận đa chiều về việc “tuýt còi” của cơ quan quản lý với phim online này.

Thế nhưng, gần đây thị trường phim online ngoài xuất hiện những bộ phim hở bạo thì có thêm những bộ phim bạo lực, không mang lại giá trị nhân văn cho người xem. Đơn cử là bộ phim “Nếu mày là tao” (Đạo diễn Ti Gôn) - một bộ phim dài 3 tập phát trên Youtube, kể về cuộc đời sóng gió của một nhân vật là có tên là Nam. Nam vì người mình yêu vị “xã hội đen” sát hại dã man nên mới quyết định theo con đường một đại ca có tiếng trong vùng để trả thù.

Sau đó, vị đại ca kia chết, Nam muốn hoàn lương nhưng không được lại phải tiếp tục làm côn đồ. Sau cùng khi người xem vẫn đang loay hoay không rõ Nam sẽ hoàn lương hay tiếp tục sống cuộc đời như vậy thì bộ phim cũng đã kết thúc. Chưa kể, toàn bộ phim toàn cách chém giết lẫn nhau, dao, mác sử dụng nhan nhãn, “xã hội đen” hoành hành. Người này chém giết kẻ khác trong sự reo hò, vui sướng của những người chứng kiến. Dáng dấp công an thì lại vô cùng “vô dụng” và mờ nhạt.

Chưa kể, bộ phim online này còn vấp phải những lỗi rất “ngớ ngẩn” điển hình như màu máu giống màu da cam hơn là màu đỏ, khẩu hình miệng của nhân vật đôi khi còn không khớp với lời lồng tiếng… Cuối cùng, người xem vẫn “nghĩ mãi không ra là bộ phim này được xây dựng lên với mục đích gì? Ý nghĩa nhân văn mà bộ phim này hướng tới là gì?” – như lời Hoàng Huế (một tín đồ phim online) bức xúc.

Nói về sự thay đổi của môi trường làm phim online và phim chuyên nghiệp, đạo diễn Luk Vân nhìn nhận vấn đề này trước báo chí: “Đó là hai thị trường khác nhau. Sự đầu tư và tổ chức cũng khác nhau. Làm điện ảnh nặng phải tính tới doanh thu, tính tới thời gian sản xuất, phát hành. Trong khi đó, phim online làm thế nào cũng được”. Thực tế cho thấy, nhìn vào thị trường phim online sẽ thấy nhiều nội dung thoáng, sexy hoặc hở hang hay bạo lực đều có. Nếu là sản phẩm điện ảnh thì sẽ bị kiểm duyệt gắt gao, còn phim online thì không. Chính vì lẽ đó mà khâu kiểm duyệt là hết sức cần thiết. Bởi nó khiến nhiều đạo diễn bay bổng, có nhiều ý tưởng đẹp, lạ. Còn những phim lạm dụng hở, chém giết để câu view, nội dung nhàm chán sẽ dần bị khách hàng từ chối, khán giả từ bỏ… Từ đó, sẽ có một môi trường chuyên nghiệp và lành mạnh.

Không thể phủ nhận phim online mang lại những cơ hội cũng như sân chơi sáng tạo cho nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với nghiệp làm phim. Giúp họ đến gần hơn với sự chuyên nghiệp thông qua những thước phim online. Tuy nhiên, giữa sự phát triển ồ ạt và sự tham gia làm phim có phần tạp nham giữa người làm phim và nội dung dựng phim thì đã đến lúc cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ. Đó cũng là hành động để “thanh lọc” biến môi trường làm phim online trở nên chuyên nghiệp hơn và phát triển mạnh hơn trong tương lại.

Đọc thêm