“Cư dân mạng” và “công lý đám đông”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong xã hội 4.0, mạng xã hội giống như thế giới thứ hai của con người, nơi họ sống và hoạt động thông qua những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính. Từ đó hình thành khái niệm “cư dân mạng”. Và rồi từ những hành vi tâm lý đám đông, cư dân mạng đã cho phép mình thay mặt công lý trực tiếp xử lý sự việc và từ đó gây ra nhiều hệ lụy.
Hậu quả nghiêm trọng mà “tâm lý đám đông” và“công lý đám đông” trên mạng xã hội mang lại chính là xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác. (Ảnh minh họa)
Hậu quả nghiêm trọng mà “tâm lý đám đông” và“công lý đám đông” trên mạng xã hội mang lại chính là xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác. (Ảnh minh họa)

Hành động thiếu văn minh

Những ngày gần đây, mạng xã hội đang xôn xao trước thông tin 4 nữ học sinh tại một trường quốc tế ở TP.HCM. Người đăng tải thông tin này là một nữ phụ huynh của một trong bốn nữ sinh bị đánh.

Được biết nữ phụ huynh này đã livestream (phát sóng trực tiếp) tố cáo nhà trường vì cách mà bà cho rằng là phản ứng chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra vụ việc. Theo đoạn livestream, bà kể rất nhiều từ việc con của bà đã bị bạn học đánh sau khi tham gia dã ngoại tại Hồ Tràm, đến sự việc xảy ra tại sân trường. Điều khiến nữ phụ huynh bất bình nhất là khi đến làm việc nhà trường lại không cho bà gặp học sinh bị tố đã hành hung con của mình và đẩy sự việc để các bên gia đình tự giải quyết với nhau. Ngoài ra, phản ánh lúc đầu của phụ huynh không được nhà trường giải quyết, mà còn có nhiều hành động dọa nạt.

Sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, livestream đã gây bão dư luận khắp cả nước. Theo ghi nhận, livestream của nữ phụ huynh trên đã thu hút đến 4 triệu 4 lượt xem, 90.800 lượt like, hơn 36.000 lượt bình luận và 17.600 lượt chia sẻ. Ngoài ra, hàng loạt fanpage, trang tin điện tử đăng tải vụ việc và nhận được sự quan tâm, chia sẻ rộng rãi của cư dân mạng.

Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI) do Microsoft công bố năm 2020, Việt Nam thuộc tốp 5 nước có mức độ văn minh thấp nhất. Dù đây là khảo sát chỉ được thực hiện với 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và chỉ mang tính chất tham khảo, con số này cũng phần nào gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ứng xử phản văn hóa đang có chiều hướng ngày một gia tăng của người Việt trên mạng xã hội.

Theo dòng sự kiện, ngay khi sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội với tốc độ phủ sóng kinh ngạc, đã có rất nhiều người bày tỏ sự bất bình của mình với nhà trường và gia đình học sinh bị tố hành hung. Dù chưa biết đúng sai ra sao và mới chỉ nghe thông tin từ một phía thông qua livestream của nữ phụ huynh nhưng cư dân mạng đã ngay lập tức “kết án” và lập tội danh cho họ bằng đủ những lời lẽ xúc phạm nặng nề.

Không chỉ dừng lại ở chửi bới, cư dân mạng còn quyết định tự “thực thi công lý” bằng cách tràn vào tấn công trang web, fanpage, trang thông tin, đánh giá 1 sao xếp hạng về chất lượng của nhà trường trên Google cũng như gọi đây là “Trường quốc tế bắt nạt”. Hành động phản cảm này thậm chí còn gây ra ảnh hưởng xấu hơn khi không ít người trong số đó đã đánh giá... nhầm các trường khác có tên gần giống.

Quá đà hơn, các “cư dân mạng” còn điều tra gia phả của học sinh bị tố hành hung, từ nhà ở đâu, bố mẹ làm gì, bạn trai là ai… dù học sinh đó mới chỉ đang học lớp 8. Tất tật đều bị truy lùng trên mạng xã hội. Ngay sau khi những thông tin riêng tư bị lộ ra, số phận của công ty gia đình học sinh cũng không khác nhà trường là mấy. Hàng chục nghìn đánh giá 1 sao xếp hạng chất lượng trên Google từ đâu rơi xuống, khiến công ty phải khoá đánh giá và xoá địa điểm.

Sau đó, trường quốc tế nọ đã thông tin chi tiết về vụ ẩu đả. Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan nhanh chóng xác minh xử lý vụ việc kịp thời. Có thế thấy, chưa bàn đến việc ai đúng ai sai nhưng cách “cư dân mạng” vội vàng “kết án” đối với nhà trường và học sinh là hành động thiếu văn minh.

Thế giới ảo nhưng hậu quả thật

Ngày nay, trước những sự việc được đưa lên mạng xã hội, làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng đang ngày càng nhiều và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nhân vật trong câu chuyện. Các khái niệm “tâm lý đám động” và “công lý đám đông” trên mạng xã hội chưa bao giờ rõ ràng đến vậy.

Tâm lý đám đông trên mạng xã hội hiểu đơn giản nhất chính là những suy nghĩ, cảm xúc của một người bị tác động rất lớn bởi một nhóm người trên mạng và cùng nhau thể hiện điều đó. Tâm lý này có thể là đồng cảm, đồng thuận hoặc ngược lại, phản bác. Cả hai bên sẽ chia sẻ với nhau và có thể xuất hiện những xung đột do các quan điểm trái ngược. Và tất cả đều được thể hiện thông qua các trang mạng xã hội.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Từ những hành vi tâm lý đám đông, cư dân mạng đã cho phép mình thay mặt công lý trực tiếp xử lý sự việc, hay còn gọi là “công lý đám đông”. Đây là hiện tượng tự phát và trong nhiều trường hợp, nó cực kỳ nguy hiểm. Khái niệm này trên mạng xã hội Việt Nam không lạ, không mới bởi đã có nhiều rất nhiều ví dụ đau xót. Cần nhớ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không thể chống lại cái xấu bằng các hành vi không hợp pháp.

Có quan điểm cho rằng, những làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ này đã mang đến tín hiệu tích cực chứng minh con người Việt Nam giờ không còn vô cảm, đã biết đứng lên mang công lý về cho nạn nhân yếu thế. Nhưng như một con dao hai lưỡi, “tâm lý đám đông” và “công lý đám đông” cùng với sự vội vàng, thiếu hiểu biết đã đem lại những hệ luỵ khôn lường.

Bản chất của mạng xã hội là chia sẻ, nhưng trong nhiều trường hợp, mục đích mạng xã hội là càng có nhiều nội dung “gây bão”, thu hút được càng nhiều like, bình luận càng tốt mà không cần quan tâm đến nội dung có ảnh huởng đến cá nhân hay không. Chính vì vậy hậu quả nghiêm trọng mà “tâm lý đám động” và“công lý đám đông” trên mạng xã hội mang lại chính là xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Từ đó tạo ra một thứ “văn hoá” dễ dàng phán xét người khác và bình thường hoá những việc lăng nhục và lăng mạ người khác.

Sự việc trường quốc tế ở trên chỉ là một trong vô vàn trường hợp mà “tâm lý đám đông” khiến “công lý đám đông” “ra tay”, bên cạnh những ý kiến đóng góp tích cực mang tính xây dựng, hầu hết đều là những lời lẽ chỉ trích không mấy văn minh, lịch sự của một bộ phận cư dân mạng, dẫn đến nhiều thiệt hại vật chất, tinh thần và thể chất cho cả nạn nhân và những người xung quanh. Không hiếm những trường hợp những lời xúc phạm trên mạng xã hội đã dồn nạn nhân vào đường cùng khiến họ lựa chọn rời bỏ mạng sống của mình. Đây là hệ luỵ đau buồn mà “tâm lý đám đông” và“công lý đám đông” đem lại.

Có thể nói, mục đích của mạng xã hội chỉ đơn giản để mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn chứ không phải để phán xét hay “kết án” bất kì cá nhân nào. “Công lý đám đông” tuy giúp chúng ta nhận thấy những vấn đề đang tồn đọng trong xã hội nhưng nó cũng đang hủy hoại giá trị cơ bản nhất và tài sản quan trọng nhất của một con người, đó là quyền được bảo vệ nhân phẩm và danh dự.

Trao đổi với truyền thông Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã từng có nhận định, nhiều bạn trẻ hiện đã không ý thức được những bình luận của mình trên mạng xã hội, thích hùa nhau theo “tâm lý đám đông” khi liên tục bình luận những câu mang tính chất cãi vã, nhục mạ người khác. Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt cũng cho rằng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chính sự tự do một cách tối đa trên những trang mạng này cũng đã tạo điều kiện cho không ít cá nhân bộc phát thói quen “phản biện” người khác ở một góc độ tiêu cực khiến nhân vật chính ít nhiều bị tổn thương. Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung có lời khuyên, mỗi người khi tham gia các mạng xã hội hãy nhớ một nguyên tắc, đó là đừng bao giờ chỉ trích một ai đó, vì khi giơ tay “chỉ trích” người khác thì cũng sẽ có ít nhất “3 người – (3 ngón tay còn lại của chính bạn)” đang chỉ trích và tố cáo ngược lại. Và tất cả những cuộc khẩu chiến đều không đi đến một kết thúc đẹp”.

Đọc thêm