Vấn đề này thuộc lĩnh vực văn hóa từ chức và được cụ thể bằng một văn bản chính quy, có tính pháp lý cao và phải được tuân thủ dù chỉ trong nội hàm “khuyến khích”. Đây cũng là động thái nhằm xóa bỏ định kiến tồn tại bấy lâu nay “có vào không ra, chỉ lên không xuống” khá thịnh hành trong công tác tổ chức cán bộ.
Lại cũng có thể là cú “điểm huyệt” những ai tham quyền, cố vị, giữ ghế bằng được, mặc kệ giới trẻ có chí tiến thủ, có năng lực, có kiến thức đang xếp hàng phía sau. Nhìn xa hơn, sự khuyến khích rút lui này có thể xóa bỏ tình trạng “chờ hưu” bằng cách xếp một chỗ ngồi ở cấp cao hơn nhưng chỉ “ngồi chơi, xơi nước” gây ra tình trạng dư thừa cấp phó và lãnh đạo nhiều hơn nhân viên trong một cơ quan.
Trong bối cảnh công chức “cắp ô” diễn ra khá phổ biến thì cũng cần những biện pháp quyết liệt, đồng thời có những động tác đánh thức lòng tự trọng, triệt tiêu thói lỳ lợm, a dua theo kiểu người khác ngồi lại được thì mình cũng ở lại chứ sao!
Ở một diễn biến gần đây nhất thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, một huyện có 4 lãnh đạo là anh em đồng hao và việc tuyển dụng có vấn đề được báo chí phản ánh, sau kiểm tra, rà soát một người được “tuyển thẳng” vào biên chế, đã phải “cởi áo” công chức để trở về vị trí cũ.
Giá như có cơ chế khuyến khích cộng với lòng tự trọng cá nhân thì xin rút trước có phải là bảo toàn được danh dự không? Ngoài ra, những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, “quan tắt” cũng cần xem lại mình và sớm từ chức, nếu có năng lực thực sự thì cơ hội vẫn còn, con đường thăng tiến vẫn rộng mở.
Sự khuyến khích từ chức của TP HCM cũng nhắm đến một đối tượng cụ thể là các vị trí lãnh đạo yếu kém, không còn tín nhiệm từ đồng nghiệp cũng như nhân dân. Đường rút lui danh dự đã mở, nếu không rút thì tất yếu bị rút chức, lúc đó thì một chút danh cũng không còn!