Xác định 60 trường hợp người nhà được bổ nhiệm

(PLO) - Ngày 31/10- 3/11/2016, Bộ Nội vụ đã kiểm tra theo thông tin phản ánh của báo chí về hiện tượng “bổ nhiệm người nhà” và đã xác định được 9 địa phương, đơn vị với 60 trường hợp người nhà được bổ nhiệm, trong đó có một số tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm. 
Chánh Văn phòng – người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cung cấp thông tin về công tác nội vụ được báo chí quan tâm
Chánh Văn phòng – người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cung cấp thông tin về công tác nội vụ được báo chí quan tâm

Sáng nay (17/2), Chánh Văn phòng – người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, từ thông tin báo chí, Bộ đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp được 09 địa phương, đơn vị được kiểm tra, rà soát gồm tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An); huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk); tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền (TP Cần Thơ); Cục Thuế tỉnh BR-VT (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính); tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng.

Qua kiểm tra xác định 60 trường hợp, trong đó 02 người không có quan hệ họ hàng, 18 người có quan hệ ruột thịt và 40 có quan hệ họ hàng với một số lãnh đạo tại 09 địa phương này.

 Trong số người nhà của lãnh đạo địa phương được tuyển dụng, bổ nhiệm có 37 người giữ chức vụ, 21 người không có chức vụ; 24 người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, 6 người làm việc trong cơ quan Đảng, 10 người làm việc trong cơ quan đoàn thể và 14 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì họp báo

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì họp báo

Bộ Nội thừa nhận, qua kiểm tra cho thấy một số tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm. Như một số trường hợp thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ  lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ và tin học tại thời điểm bổ nhiệm, bổ nhiệm không đúng thủ tục (thiếu văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm), không thực hiện trình tự thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm, trình độ chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc làm, vượt chỉ tiêu hợp đồng  lao động được giao.

Trên cơ sở đó, Bộ đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và các thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được phát hiện qua kiểm tra.

Rà soát điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo kết quả kiểm tra tại biên bản làm việc giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan, đơn vị;

Xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp không đáp ứng theo quy định. Đến nay, một số đơn vị đã thực hiện kiến nghị của Bộ Nội vụ và Bộ sẽ tổ chức kiểm tra trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Q.Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết thêm, đoàn kiểm tra cũng đã kiến nghị xử lý những người thực hiện sai quy định của pháp luật trong các trường hợp “bổ nhiệm người nhà” có tồn tại, thiếu sót nêu trên.

Sẽ cho cán bộ không đủ năng lực từ chức
Ngoài ra, để làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, một trong những nhiệm vụ được Chính phủ xác định trong thời gian tới là kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.

Đọc thêm