Cụ đồ Chiểu - văn nhân, nghĩa khí mãi còn đó…

(PLVN) - Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu yêu nước, đã lựa chọn con đường đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược bằng tư tưởng, lấy văn thơ làm phương tiện.

Cụ được nhân dân khâm phục cả về tài năng và ý chí vươn lên, trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Khí phách của cụ đồ Chiểu

Cuộc đời thăng trầm của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu gắn với nỗi lầm than của đất nước trong cơn binh biến, nước mất, nhà tan. Bỏ khoa thi để về quê chịu tang mẹ, không may mắt cụ bị mù lòa, liền sau đó lại bị nhà gái hồi hôn… Đòn giáng số phận liên tiếp trút xuống chàng trai trẻ nhưng cụ không nhụt chí mà thoái lui. Ngược lại, bằng lý tưởng học tập suốt đời để phụng sự con người, cụ không chỉ nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã mà còn là chỗ dựa cho quần chúng nhân dân, cổ vũ tinh thần cho họ trong thời loạn khi sáng tác thơ văn chống Pháp, mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người…

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu luôn đau đáu vì vận nước, nặng lòng trước phận dân đen. "Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ/Ngọn đèn khuya leo lét trong lều/Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng/Cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…". Những áng văn thơ như "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Chạy giặc"… đã đưa những người nông dân chân lấm tay bùn lên vũ đài lịch sử văn chương Việt Nam.

Hầu hết các tác phẩm của cụ đều viết bằng chữ Nôm với hai giai đoạn trước và sau kháng chiến Nam Kỳ lục tỉnh. Tác phẩm nổi tiếng của cụ là truyện thơ: “Lục Vân Tiên”, “Dương Từ - Hà Mậu”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, “Văn tế Trương Định”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”… Tất cả đều toát lên tinh thần chống Pháp và nhà nước phong kiến đương thời, thể hiện ước mơ đất nước được giải phóng và tình yêu với những người dân trước cảnh nhà tan, nước mất.

Các tác phẩm văn chương cụ đồ Chiểu cùng khí phách sáng ngời của cụ đã được bạn bè quốc tế năm châu biết đến và mến mộ. Ngay từ thế kỷ 19, tác phẩm của cụ đồ Chiểu đã vượt nửa vòng trái đất đến đất Pháp. Khi chiếm đóng Nam Kỳ, người Pháp quan tâm và biên dịch dù thơ văn của cụ cật lực chống bọn thực dân xâm lăng. Họ quan tâm bởi các tác phẩm của cụ có sức sống mãnh liệt trong lòng quần chúng nhân dân, diễn tả trung thực những tình cảm của cả một dân tộc.

Năm 1864, tác phẩm "Lục Vân Tiên" đã được dịch sang tiếng Pháp với bản dịch của G. Aubaret. Năm 1873, "Lục Vân Tiên" tiếp tục được dịch sang tiếng Pháp với bản dịch của Janneau. Tiếp sau đó là các bản dịch của Abel des Michels (năm 1883), E. Bajot (năm 1886). Không chỉ biên dịch, người Pháp còn vẽ tranh minh họa cho tác phẩm để độc giả bản xứ dễ tiếp nhận văn hóa An Nam.

Một bức tranh minh họa truyện Lục Vân Tiên từ thế kỷ 19 của người Pháp.

Đánh giá về cụ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Thơ, văn tế Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động và não nùng tình cảm của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cầy cuốc, bỗng chốc trở thành những người anh hùng cứu nước”.

Trong cuốn "Kiến Hòa xưa và nay" (Bến Tre) - Địa linh nhơn kiệt", tác giả Huỳnh Minh viết: "Quan chủ tỉnh Bến Tre là Michel Ponchon đã bốn lần liên tiếp đến xin ra mắt cụ đồ Chiểu. Dụng ý của hắn là gây cảm tình để xoa dịu lòng công phẫn của dân chúng. Cụ đồ Chiểu ứng phó khéo léo, cương quyết từ chối… Đã có lần Michel Ponchon hứa trả lại phần đất của họ Nguyễn Đình đứng bộ ở Sài Gòn. Cụ đồ Chiểu lắc đầu, cười lạt: "Đất của triều đình còn bỏ, huống gì là phần đất của riêng ta được hưởng". (…) Cụ mặc quần áo trắng với ngụ ý: Bảo vệ tiết tháo, giữ lòng trong sạch và để tang cho đất nước. Khi quần áo đã dơ, cụ dạy học trò nên giặt bằng nước tro, thay vì dùng loại xà bông ngoại hóa".

Đến nay, phẩm chất, triết lý sống cao đẹp và tác phẩm của cụ đồ Chiểu vẫn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ trong nhân dân Việt Nam và ngày càng vươn xa chinh phục bạn bè quốc tế.

Tại Kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.

UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc.

Trang nghiêm Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu

Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu được UBND tỉnh Bến Tre xây dựng. Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương.

Nhà bia được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, cao 12m có hai tầng mái. Mặt ngoài đắp nổi hoa văn hoa lá cách điệu, mặt trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Chính giữa là tấm bia bằng đá nguyên khối. Mặt trước khắc bài văn bia ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu, mặt sau khắc tóm tắt tiểu sử của ông.

Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre.

Đền thờ gồm hai tầng với ba tầng mái tượng trưng cho 3 nghề của ông: nghề giáo, nghề thuốc và thơ văn. Tầng dưới trưng bày một số hình ảnh Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số đoàn khách nước ngoài, Nhân dân trong nước đến thăm viếng. Tầng trên đặt tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên bốn cột ở tứ trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm “Dương Từ - Hà Mậu”: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Và câu đối của ông Nguyễn Văn Châu, một người con của Bến Tre viết ca ngợi công đức Nguyễn Đình Chiểu: Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê.

Hai bên tượng Nguyễn Đình Chiểu là hai mảng phù điêu. Phù điêu bên trái miêu tả cảnh cụ đọc bài Lục tỉnh sỹ dân trận vong văn tại Chợ Đập (Ba Tri) khoảng năm 1884. Phù điêu bên phải miêu tả trận đánh đầu tiên của hương giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ đánh Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào rạng sáng 16/11/1868.

Hàng năm, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống Văn hóa vào ngày 1 đến ngày 3/7 (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu); với nhiều chương trình phong phú như: Lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu...

Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương.

Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Trong năm 2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm 200 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Theo kế hoạch, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.

Đặc biệt, Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào tối 30/6/2022, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu gồm: Nghi thức Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật giới thiệu tổng thể cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông; Giải Bến Tre Marathon quốc tế; Liên hoan ẩm thực Xứ Dừa; thực hiện phim tài liệu về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; tổ chức Hội chợ Thương mại - Ẩm thực xứ Dừa và hành trình theo chân cụ đồ…