Khai mạc trưng bày Văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 22/11, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Vĩnh tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc” tại Bảo tàng tỉnh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày

Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay từ 2.500 - 2.000 năm, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc; là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước đầu tiên thời đại các Vua Hùng - nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, đặt nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.

Không gian trưng bày chuyên đề với hơn 700 tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ được trưng bày khoa học, thẩm mỹ, đã giới thiệu những dấu tích đặc trưng tiêu biểu của các nền văn hóa tiền Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc.

Các hiện vật thể trưng bày thể hiện sự đỉnh cao là nghệ thuật đúc đồng và những tinh hoa cổ vật qua các thời kỳ, phản ánh trí sáng tạo, thẩm mỹ cùng đôi bàn tay tài hoa của người xưa để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Người dân tham quan trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Kim Ly

Người dân tham quan trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Kim Ly

Vĩnh Phúc hiện có 24 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, hay còn gọi là thời tiền Đông Sơn được phát hiện, tiêu biểu là các di tích Nghĩa Lập, Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường), Gò Hội (huyện Sông Lô), Đồng Đậu (huyện Yên Lạc)...

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung 12 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu là các di tích Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc); Gò Cóm, Xuân Lôi (huyện Lập Thạch); Đạo Trù, Minh Quang (huyện Tam Đảo)... với các di vật quý hiếm như trống đồng Đạo Trù, trống đồng Minh Quang, trống chậu Nguyệt Đức...

Những di tích cùng với số lượng di vật đã phát hiện và nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc văn hóa bản địa từ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn. Đồng thời, khẳng định trong quá trình khai phá từ miền núi phía Bắc xuống đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, người Việt cổ đã dừng chân và định cư lâu dài tại vùng đất Vĩnh Phúc từ 4.000 - 2.000 năm cách ngày nay.

Nhân dịp này, Sở VH-TT&DL tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã hiến tặng cổ vật, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Chí Tuệ trao Giấy khen tặng các tập thể, cá nhân đã hiến tặng cổ vật, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Chí Tuệ trao Giấy khen tặng các tập thể, cá nhân đã hiến tặng cổ vật, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc mở cửa trưng bày phục vụ người dân và du khách tham quan tất cả các ngày trong tuần.