Nghề săn cua đá
Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một cụm đảo gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các đảo khoảng 3.000 người. Từ bao đời nay, những người dân đảo sống nhờ biển, đảo với các nghề: từ biển có đánh bắt hải sản, từ núi có bắt cua đá và săn tổ yến...
Cua đá là đặc sản của Cù Lao Chàm. Mỗi con cua to bằng nắm tay, có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu tím, phần bụng dưới màu vàng, phân bố khắp Cù Lao Chàm nhưng tập trung nhiều nhất ở Hòn Lao.
Cua có nhãn sinh thái mới được bán ra thị trường |
Trước đây, khi còn nhiều cua đá ở Cù Lao Chàm mỗi con chỉ có 2.000 đồng. Năm 2006, Tiến sĩ Mariana Damholt (Đan Mạch) nghiên cứu về cua đá Cù Lao Chàm đã đưa ra cảnh báo về sự tuyệt chủng của loài động vật này. Nay do bị khai thác cạn kiệt, do quy định khai thác theo mùa nên tùy từng thời điểm trong năm, giá cua đá dao động từ 1 triệu-1,2 triệu đồng/1kg, đến nhà hàng giá là 1,8 triệu đồng/1 kg (khoảng 4 con/kg).
Ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Cua đá trước đây bị khai thác tràn lan, thiếu kiểm soát nên số lượng cá thể suy giảm nhiều. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Dự án rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), chính quyền địa phương đã thành lập Tổ cộng đồng tham gia phục hồi cua đá gồm 36 người. Những người này trước đây làm nghề khai thác cua đá và nay chỉ có họ mới được khai thác cua đá.
Cua đá sau khi bắt về, được Tổ cộng đồng dùng thước đo, nếu chiều ngang của mai đủ 7 cm trở lên thì được dán tem sinh thái vào lưng (tem sinh thái được dán cho cua từ năm 2009). Nếu cua bé hơn thì được bỏ vào ngân hàng cua đá của đảo. Mỗi năm, có khoảng 4-5 trăm con cua nhỏ được thả ra nhờ quy định này.
Ở đảo Cù Lao Chàm, chỉ có cua đá dán tem mới được bán ra thị trường. Nếu không có tem sẽ bị bắt, phạt tiền. Người khai thác cua đá chỉ được khai thác đúng mùa vụ từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, các mùa khác là thời gian sinh sản nên bị cấm săn bắt, mua bán."
Kiểm tra độ dài con cua trước khi dán tem sinh thái |
Cua đá Cù Lao Chàm là loài lưỡng cư. Cua sống ở trên rừng, nơi khe suối ẩm ướt. Đến mùa sinh sản, cua bò theo khe suối xuống biển sinh sản ở những vùng triều đất ngập nước khoảng từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm. Sinh xong cua lại lên rừng sống trong hang đá.
Ông Trần Công - Tổ cộng đồng tham gia phục hồi cua đá cho biết: “Năm nay tôi 62 tuổi nhưng đã có thâm niên nửa thế kỷ đi bắt cua đá. Cua đá là động vật biển nhưng sống trên rừng, trong các hang đá ven suối. Do ăn các loại cỏ cây trên núi nên thịt cua đá có mùi thơm kỳ lạ, thịt rất ngon, dai. Cua đá rất khoẻ, chạy nhanh, thường chỉ ra khỏi hang khi đêm xuống để kiếm ăn nên việc săn cua đá phải vào ban đêm.
Cua chạy nhanh, dẻo dai, leo núi khoẻ nên đi săn cua gặp 10 con, bắt được 4 - 5 con là nghề lắm rồi. Nghề săn cua rất nguy hiểm. Không chỉ trèo đèo, lội suối hàng chục km, leo lên những vách đá cheo leo, nhiều lần tôi đã bị rắn ở trên cây mổ vào đầu, may mà đội mũ bảo hộ nên không việc gì. Có lần tôi đã dẫm lên một vật thấy mềm mềm, soi đèn vào thì ra là con trăn lớn. May là nó đã ăn no nên nằm im. Trước đây, chúng tôi đã từng bắt được những con cua đá lớn, có mai ngang dài 14 cm. Hiện nay, con cua có chiều ngang mai lớn nhất là 11 cm. Cua đá bắt đầu khan hiếm từ năm 2007, phải quản lý khai thác bền vững”.
Đến nay, số lượng cua đá chưa hoàn toàn hồi phục so với năm 1998. Mặc dù tổ cộng đồng được phép bắt 10.000 con/năm nhưng họ chỉ có thể khai thác 1/3 hoặc 1/2 hạn mức. Báo cáo mới nhất của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết tổ dán tem cho 18.972 con trong 4 năm (2013-2016).
Ấp trứng cho rùa trở về và bảo tồn san hô
Ông Lê Vĩnh Thuận cho biết thêm: “Những năm qua, MFF và IUCN đã hỗ trợ truyền thông và bảo tồn tôm hùm, tôm bàn mai, ốc tù và, bào ngư, trai tai tượng. Hiện chúng tôi đang triển khai Chương trình bảo tồn rùa biển. Cù Lao Chàm trước là bãi đẻ trứng của rùa. Những năm gần đây do tác động của con người, rùa không còn quay trở lại đẻ trứng.
Vì vậy, chúng tôi đã mang trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm ấp nở. Năm ngoái triển khai 2 đợt. Năm 2018 này mang 500 trứng rùa về ấp nở được 450 con. Rùa nở xong, chúng tự trở về biển. Công trình nghiên cứu của IUCN cho thấy, rùa biển đẻ ở đâu sau này sẽ quay trở về nơi đó đẻ tiếp. 12-15 năm nữa những con rùa con trưởng thành sẽ quay về đây đẻ trứng nên chúng tôi giữ bãi cho chúng”.
Theo số liệu của Viện Hải dương học Nha Trang năm 2017, Cù Lao Chàm hiện có 360 ha san hô cứng và mềm. Với san hô, IUCN đã đầu tư cho những người hành nghề lặn biển xưa quay lại khai thác san hô, tham gia vào phục hồi san hô. Chúng tôi đã trồng lại những khu vực san hô bị suy giảm, có độ che phủ thấp.
Ông Trần Minh Sỹ-tuần tra viên tổ tuần tra cộng đồng lặn biển trồng san hô cho biết: "Xã Tân Hợp có 4 thôn: thôn Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Ông, Thôn Cấm. Dự án trồng san hô của MFF được triển khai ở Bãi Hương với 100 hộ dân, 600 khẩu. Chúng tô đã trồng 2.400 tập đoàn san hô dạng phiến ở độ sâu 6-10 mét. Chúng sinh trưởng rất chậm. Mỗi năm chỉ được khoảng 1,5-3 cm. Việc trồng san hô có tác dụng bảo vệ vùng biển, làm giảm, tiêu hao năng lượng của sóng đập vào bờ, làm xói lở nơi ở của những loài thủy sinh, cộng sinh.
Người dân khi tham gia trồng, biết được sẽ có ý thức gìn giữ, bảo tồn biển. Từ 12/9/2017, Cù Lao Chàm chính thức đóng điện lưới quốc gia. Hiện lượng khách ra đảo rất đông. Theo quy định, một ngày chỉ cho 3.000 khách ra đảo. Hàng ngày, chúng tôi đưa khách du lịch đi xem san hô ở độ cao từ 5-8 mét qua kính bơi hay qua thuyền thúng có đáy bằng kính."
Huyết yến Cù Lao Chàm chỉ còn trong ký ức
Tổ yến ở Cù Lao Chàm nổi tiếng không chỉ ở độ bổ dưỡng mà còn có trọng lượng lớn nhất cả nước. Nếu như tổ yến hạng nhất của Khánh Hòa chỉ đạt trọng lượng 10 gram thì yến sào ở đào Cù Lao Chàm nặng tới 15 gram/tổ, giá 1 kg yến thường trên 150 triệu đồng/1kg. Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, những người nuôi yến trong toàn quốc lại về Cù Lao Chàm làm lễ giỗ tổ nghề yến.
Lễ giỗ tổ nghề yến đồng thời tế lễ những ngư dân, chiến sĩ bảo vệ biển đảo đã tử trận, tử nạn |
Hiện nay nghề nuôi yến tại Quảng Nam, Đà Nẵng rất phát triển, mang lại nguồn thu cao với hơn 500 hộ nuôi nhưng tổ yến tự nhiên ở Cù Lao Chàm mới thực sự có giá trị. Yến Cù Lao Chàm chủ yếu sống ở Hòn Khô, trên những tảng đá hoa cương khô khốc, trơn tuột không ngọn cỏ nào mọc nổi. Nhìn từ xa, hang yến chỉ là một khe nứt hẹp từ mặt biển lên đến gần đỉnh núi, cao đến hàng chục mét. Đến gần, mới thấy miệng hang rộng rãi.
Thông thường, vào cuối tháng 11 âm lịch, loài yến Cù Lao Chàm bắt đầu nhả nước bọt thành những sợi nhỏ như dãi trắng, bám vào vách đá cheo leo của hang động. Gặp gió, các dãi trắng chuyển màu đục rồi quánh lại, cuộn thành hình vỏ sò. Cứ đến tháng 4 âm lịch là thời điểm khai thác yến tốt nhất ở Cù Lao Chàm.
Chim yến ăn côn trùng bay, uống hơi sương trên không trung, tuyệt đối không uống nước nơi sông, hồ nên nước dãi nó tiết ra thực sự tinh khiết và giá trị. Chính Hòn Khô là nơi từng hiện diện yến huyết, với những cái tổ bám chặt vào vách đá trơn tuột nằm tận đỉnh hang, sơ sợi của tổ có màu máu. Giá của loại huyết yến cao gấp ba lần các loại thường.
Hàng chục năm nay, huyết yến đã vắng bóng ở đảo Cù Lao Chàm |
Sở dĩ, yến sào ở Cù Lao Chàm có giá đắt đỏ và khan hiếm như vậy không chỉ bởi chất lượng tốt, tổ yến tự nhiên to, giá trị dinh dưỡng cao mà còn vì việc khai thác yến ở đây rất nguy hiểm. Không nhiều người dân trên đảo chọn công việc này, vì để khai thác được 1 lạng tổ yến luôn phải đối mặt với tử thần rình rập.
Thứ yến hiện nay có trên thị trường nếu không làm giả thì chỉ là bạch yến, thứ tổ mà chim yến làm vội vã sau khi bị mất chiếc tổ đầu tiên, để kịp đẻ trứng. Người khai thác chờ cho chim non đủ lông cánh mới khai thác bạch yến vào khoảng tháng 8. Loại mao yến, thứ yến sào hạng nhất thu hoạch vào tháng Tư đã có các thương lái nước ngoài đặt sẵn. Còn yến huyết, ngay cả tại Cù lao Chàm thì cũng đã vắng bóng hàng chục năm nay.