Cua Cà Mau bị chết diện rộng, người nuôi cua thấp thỏm, đứng ngồi không yên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Trương Minh Thuận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) thông tin, các xã trên địa bàn đang xảy ra tình trạng cua chết diện rộng, gây ra thiệt hại nặng nề từ 40% đến trên 60%.

Cua Cà Mau bị thiệt hại nặng nề

Được biết, huyện Năm Căn được xem là thủ phủ của nghề nuôi cua với diện tích trên 25.000ha, đồng thời nuôi cua kết hợp với tôm nuôi quảng canh. Theo đó, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng cua chết đồng loạt, cua bị chết có trọng lượng từ 200 đến 400 gam/con.

Theo ông Trương Minh Thuận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết thêm: “Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều xảy ra tình trạng cua nuôi của người dân bị chết hàng loạt, hiện tượng này giống như những năm trước, nguyên nhân gây ra hiện tượng cua chết được xác định là do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ kết hợp với hiện tượng thời tiết nắng nóng dẫn đến cua chết đồng loạt gây thiệt hại nặng nề cho người dân”.

Hiện tượng cua chết hàng loạt trên địa bàn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau).

Hiện tượng cua chết hàng loạt trên địa bàn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau).

Ông Lê Văn Phú (người dân nuôi cua ở xã Hàm Rồng huyện Năm Căn) bày tỏ: “Thời gian này, cua gạch giá cao từ 800 đến 900 nghìn đồng/kg nhưng từ lúc thả cua giống đến nay trọng lượng cua được 250gam đến 400gam/con thì cua đồng loạt bị chết gây mất nguồn thu rất nặng, lỗ tiền cua giống rất xót ruột không biết phải làm sao”.

Cùng nổi lo âu với ông Lê Văn Phú, ông Nguyễn Văn Khởi (người dân nuôi cua ở xã Hàng Vịnh huyện Năm Căn) lo lắng: “Do tình trạng cua bị chết, nhưng điều đáng lo là số cua còn sống lại bị tình trạng ốm ít thịt, cơ thể cua rất yếu khi mang khỏi mặt nước thời gian ngắn thì cua vẫn bị chết, điều khó khăn nhất hiện nay là chưa có thuốc đặc trị, người dân trên địa bàn đang rất lo lắng”.

Giải pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại

Ông Nguyễn Nghi Lễ - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn, cho biết: “Cua bị thiệt hại diễn ra từ cuối tháng 2/2023 vừa qua. Tình trạng cua chết ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mức độ người nuôi bị thiệt hại khoảng 20-30%, cá biệt có nhiều hộ chịu thiệt hại khoảng 60-70%”.

“Sau khi các ngành chuyên môn, đơn vị chức năng liên quan phân tích, đánh giá thì đây cũng là một trong những biểu hiện lặp lại của 2 năm trước. Nguyên nhân cua chết là do ký sinh trùng. Tới thời điểm này chưa có giải pháp nào, cũng như chưa có loại thuốc nào đặc trị mầm bệnh này. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người nuôi cua với các giải pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho bà con” - ông Nguyễn Nghi Lễ nói.

Thực trạng cua chết ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) cũng diễn ra rải rác thời gian qua.

Thực trạng cua chết ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) cũng diễn ra rải rác thời gian qua.

Trong những năm gần đây, người dân nuôi cua theo hình thức quản canh tự nhiên, nguồn nước cung cấp vào vuông nuôi tôm cua theo biên độ thủy triều lên xuống với dòng nước chảy mạnh cộng hưởng với hệ sinh thái vùng đất ngập mặn của rừng đước chứa lượng phù sa dồi dào trên địa bàn các huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển, huyện Đầm Dơi đã làm nên chất lượng cua rất thơm ngon giàu dinh dưỡng, đồng thời góp phần làm nên thương hiệu đặc sản cua Cà Mau vang danh khắp mọi miền đất nước, đặc biệt tạo nên thương hiệu cua xuất khẩu tăng nguồn thu rất lớn cho tỉnh Cà Mau.

Cũng theo thương lái thu mua cua, hiện tại nhu cầu tiêu thụ cua nội địa và xuất khẩu trên trên thị trường cao, nguồn cua cung ứng không đủ do cua bị chết hàng loạt, dẫn đến thất thoát mất nguồn thu nhập cho người dân nuôi cua, đồng thời giảm sản lượng chất lượng cua của tỉnh Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm, cua kết hợp khoảng 250 ngàn ha. Thực trạng cua chết hàng loạt vào thời điểm này ở các huyện có sản lượng lớn như huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân,... cũng từng diễn ra năm 2021, 2022. Ngành nông nghiệp địa phương đều kết luận nguyên nhân do ký sinh trùng gây ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng cua chết. Thực trạng không chỉ làm giảm đáng kể nguồn thu nhập của hộ nuôi mà còn nguy cơ ảnh hưởng năng suất, sản lượng cua của tỉnh Cà Mau.